Vào VN để... la cà
Một buổi sáng đầu tháng 12.2009, chúng tôi trở lại khu "Tây ba lô" ở khu vực P.Tân Thành, Q.Tân Phú. Thấy một tốp thanh niên người nước ngoài đang ngồi trong một quán nước trên đường Dân Tộc, chúng tôi tiến vào trò chuyện. Họ cho biết đang ở nhiều địa bàn xung quanh quận Tân Phú như Gò Vấp, Q.12, Bình Tân nhưng thường xuyên tụ tập về đây. Một người nước ngoài tự giới thiệu tên là Lawrence nói rằng nhóm của anh ta đến từ Zimbabwe, từ Nigeria, Cameroon... Cuộc sống của họ trông có vẻ khá nhàn rỗi. Họ cứ ngồi đó tán gẫu suốt hàng giờ đồng hồ. Chốc chốc nhìn thấy đồng hương, họ lại đưa tay lên vẫy gọi í ới. Một anh chàng cùng quê chạy xe máy ngang qua, không đội nón bảo hiểm, rồ ga, nẹt pô ầm ĩ, miệng rú lên, nhóm của Lawrence lại đánh tay vào đùi đen đét, cười vang tán thưởng. Được thể, người chạy xe lại lạng qua lạng lại, biểu diễn thêm mấy vòng... Chúng tôi hỏi: "Mấy anh không đi làm gì à?", thì cả nhóm cười khì. Một anh chàng xổ một tràng tiếng Anh đại ý: "Có gì đâu mà làm! Khi nào ai kêu gì thì làm nấy".
Ngồi suốt buổi, chúng tôi để ý trong nhóm 6 người chỉ có Lawrence và một người bạn uống cà phê, còn lại đều uống... trà đá. "Vì trà đá ở đây miễn phí, uống bao nhiêu cũng được!" - cô H., nhân viên phục vụ tại quán cho biết, và nói thêm, nhóm người nước ngoài này là khách quen thường lui tới quán. Thông thường cả nhóm chỉ kêu 1-2 ly cà phê và cứ thế ngồi đó suốt cả ngày. "Hình như họ chỉ đi la cà chứ không thấy làm gì cả", cô H. nói.
Săn tình
Một nhóm thanh niên nước ngoài thường tụ tập ở quán cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Thái Học (Q.Tân Phú) - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Chúng tôi theo chân một anh chàng người nước ngoài mặc chiếc áo thun tím, người nhỏ thó, gầy còm. Anh ta đi bộ từ đường này sang đường khác, mắt không ngừng quan sát, ngó nghiêng. Rồi bước vào một tiệm internet trên đường Thành Công, đeo phone vào tai ngồi lắc lư. Khi trên màn hình máy tính xuất hiện webcam của một cô gái xinh đẹp người Việt, anh ta bắt đầu "phun châu nhả ngọc". Nào là "I just call to say I love you", rồi "If I don't see you tonight, I will die!" và "You make me crazy"... Khi màn hình chát hiện lên những trái tim bay lả tả, anh chàng áo tím cười khục khặc với đồng hương bên cạnh - cũng đang mồi chài một cô gái. Ông chủ tiệm cho hay, những người như hai anh chàng này đến tiệm này rất nhiều, chủ yếu để săn tình...
Ăn cơm, sửa xe "quên" trả tiền
Ông Châu Hoàng Thanh, Chủ tịch UBND P.Tân Quý, Q.Tân Phú than thở: "Phường và người dân, nhất là các bác hưu trí quá mệt mỏi với mấy ông Tây. Họ đến địa phương chủ yếu để la cà, tụ tập, đi sớm, về khuya... Dạo này, các ban ngành địa phương kiểm tra gắt gao nên đỡ lộn xộn hơn trước". Một cán bộ ở P.Tân Thành nói thêm, chỉ xử lý được nếu họ cư trú trên địa bàn không có giấy tờ, còn những người này dù tụ tập ở đây nhưng lại ở nơi khác đến nên cũng khó. |
Chúng tôi theo chân 4 anh chàng lắc lư bước vào quán cơm Diễm. Ông Sinh, chủ quán vui vẻ cho biết, đây là những vị khách quen. Chúng tôi thắc mắc, sao 4 dĩa cơm đầy chỉ có một ít thức ăn? Ông Sinh giải thích: "Dĩa cơm có 8.000 đồng thì sao nhiều đồ ăn!". Chỉ một thoáng, dĩa cơm đã hết sạch nhưng bữa ăn vẫn chưa kết thúc, mấy vị khách nước ngoài vô tư gọi cơm thêm 3-4 lần. "Quán phục vụ cơm trắng miễn phí", ông Sinh nói, "mấy anh Tây này nghèo lắm. Họ chỉ ăn một bữa mỗi ngày nên thường ăn vào giấc này". "Có khi cả nhóm 5 người vào ăn nhưng chỉ kêu 2 dĩa cơm có thức ăn và xin cơm thêm cho 3 người còn lại. Họ ăn rất mạnh. Chưa hết, do quán còn miễn phí trà đá và chuối cho khách tráng miệng, nên sau khi ăn xong, mỗi ông Tây này còn uống cả ca đầy nước và ăn cả chục trái chuối... Thấy họ nghèo cũng thương, nhưng bán cho họ hoài chắc quán dẹp tiệm", ông Sinh than thở.
Đối diện quán Diễm, bên kia đường, chủ quán cơm Thanh Bình cũng lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến những vị khách: họ không chỉ ăn nhiều trả tiền ít, mà một số còn ăn... quỵt. Chị H. kể, một lần khách đông, hai anh “ba lô” ăn xong đứng dậy và thản nhiên ra về; khi đòi tiền họ cứ ngớ người ra, vẻ như không hiểu tiếng Việt rồi cứ thế lững thững rời quán. Thậm chí có anh ăn xong mới bảo cho thiếu mai trả. Hôm sau nhắc thì cả hai đều lắc đầu lia lịa, nói tiếng Việt lơ lớ: "Không biết, không biết!".
Trong nhiều ngày la cà cùng những người nước ngoài ở khu vực này, chúng tôi mắt thấy, tai nghe những câu chuyện cười ra nước mắt. Ngoài việc ăn cơm "quên" trả tiền, một số anh còn sửa xe "chạy làng". Anh Hậu, chủ tiệm sửa xe gắn máy trên đường Lũy Bán Bích, kể: một lần có anh Tây dẫn chiếc xe máy vào tiệm thay cầu chì. Thợ vừa thay xong, đề máy nổ, anh chàng Tây này luôn miệng nói: "merci, thank you", rồi... lên xe vọt mất. Lần khác, ở tiệm sửa xe gần đó, một anh “ba lô” đem xe vào. Sau khi sửa xong, chủ tiệm tính tiền 45.000 đồng, anh ta lắc đầu và chìa ra tờ 20.000 đồng. Thợ giữ xe lại không cho đi, anh ta làm dữ đòi đánh. Thấy nhóm thợ người Việt khá đông, anh chàng bỏ xe chạy mất. Lát sau, anh này quay lại với 4 anh Tây khác rượt đuổi nhóm thợ, rồi dắt chiếc xe vừa sửa xong chưa trả tiền đi luôn. "Xe ôm cũng là nạn nhân của mấy anh này. Có lần, một ông xe ôm chở một ông “ba lô” ăn mặc khá điệu từ khu Tây ba lô Phạm Ngũ Lão, đến gần tiệm tui thì xe bị cán đinh. Trong khi ông xe ôm đang loay hoay tìm chỗ vá, thì anh Tây co giò chạy mất. Mấy ông này chạy nhanh lắm, ai chạy cho lại!", anh Hậu nói.
Những người dân cư ngụ ở khu vực này không ai lạ lẫm gì với mấy người nước ngoài cao nghều, tóc xoăn tít, đi đứng nhún nhảy ngoài đường.
Một buổi trưa, chúng tôi bám theo hai anh chàng người nước ngoài có dáng vẻ khổ sở, họ đi bộ qua nhiều tuyến đường ở khu vực Q.Tân Phú và tấp vào một tiệm điện thoại di động trên đường Nguyễn Thái Học. Chúng tôi bước vào quan sát, thì ra họ cố năn nỉ cô chủ cửa hàng cho sạc nhờ điện thoại và cương quyết không rời cửa hàng khi chưa được đáp ứng nhu cầu, buộc lòng cô chủ tiệm phải miễn cưỡng chấp nhận. Vòng qua tuyến đường khác, chúng tôi lại bắt gặp một anh đến tiệm hớt tóc hỏi mượn đồ cạo râu điện để "ủi" bộ râu của mình. Thậm chí, có anh còn xin vào nhà dân để... đi vệ sinh nhờ. Ông Tắc, một người dân ngụ ở đường Dân Tộc, P.Tân Thành bức xúc nói: "Khu phố văn hóa tụi tui không còn... văn hóa bởi mấy ông khách Tây này. Không chỉ tụm năm, tụm ba, mấy anh chàng này còn chửi lộn, đánh nhau gây náo loạn cả khu vực. Khi dân gọi công an đến, họ bỏ chạy thục mạng. Không chạy sao được, khi giấy tờ vào VN của họ đã hết hạn nhưng vẫn ở lì!".
Nhóm PV Xã hội
Bình luận (0)