|
Trước đó, trong tháng 2.2014, PC46 đã bắt tạm giam Dương Ngọc (43 tuổi, có chồng là người Đài Loan) cũng về hành vi nói trên. Điều đáng nói, Ngọc, Ngôn là 2 nghi phạm người Việt Nam cộm cán nằm trong đường dây lừa đoạt tiền qua điện thoại (ĐT) do người nước ngoài điều hành, gây ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.
Bước đầu, cơ quan công an nhận định có thể đại bản doanh của nhóm lừa đảo này đặt ở nước ngoài. Bọn chúng dùng trang thiết bị điện tử được lắp đặt tại nước ngoài gọi ĐT về Việt Nam thông báo chủ thuê bao nợ tiền cước ĐT, sau đó dọa liên quan đến vụ án lớn và yêu cầu chuyển tiền rồi rút chiếm đoạt. Theo hồ sơ tài liệu trinh sát, ông T. (người Đài Loan) là một nghi phạm cầm đầu đường dây này. Khoảng tháng 6.2013, ông T. đã thu nạp Ngọc vào đường dây của mình. Mới đầu, ông T. phân công cho Ngọc gọi ĐT từ Đài Loan về thuê bao ở Việt Nam thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước ĐT, dọa chuyển cho Công an Hà Nội điều tra, có liên quan đến hoạt động rửa tiền, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để giám định...
Làm được một thời gian, ông T. “điều” Ngọc về Việt Nam tìm người làm thẻ thanh toán quốc tế; rồi sử dụng thẻ để làm phương tiện lừa đảo người Việt Nam (chiếm đoạt tiền chuyển vào thẻ). Theo thỏa thuận, ông T. sẽ trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho Ngọc; đồng thời được hưởng 2,5 triệu đồng/thẻ và được chia 3% trên tổng số tiền lừa đảo được chuyển vào các thẻ. Từ tháng 12.2013 - 2.2014, Ngọc được chia hàng trăm triệu đồng.
Do số nạn nhân bị sập bẫy ngày càng nhiều trong khi đó thẻ thanh toán quốc tế quá ít nên ông T. đích thân về Việt Nam tìm “đối tác hợp tác”. Sau nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam, ông T. đã móc nối được Ngôn vào đường dây lừa đảo của mình. Giữa tháng 2.2014, bằng thủ đoạn như trên, bọn chúng đã gọi ĐT đến chủ thuê bao N.T.B.L (ngụ Q.Bình Thạnh) dọa và nạn nhân chuyển gần 340 triệu đồng cho chúng. 2 ngày sau, bằng thủ đoạn tương tự, chúng tiếp tục gọi ĐT cho bà T.T.T (ngụ Q.Gò Vấp) lừa tiền…
Đến nay, cơ quan công an đã xác định đường dây này gây ra hàng chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của người dân ở các quận: Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình và tỉnh Khánh Hòa... Hiện cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra.
'Phù thủy' tẩy rửa đô la xuất hiện trở lại qua facebook Hôm qua 26.3, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã bàn giao nghi phạm người nước ngoài tên là D.J cho Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM tiếp nhận điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, đầu năm 2014, qua Facebook, chị N.T.K.V (28 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) đã làm quen với một người đàn ông tự xưng tên là Alex Hopeson (quốc tịch Brazil). Đến đầu tháng 3.2014, Alex nói chuẩn bị sang Việt Nam đầu tư kinh doanh và sẽ gửi số lượng lớn tiền mặt qua trước nhờ chị V. nhận giùm. Ngày 12.3, Alex báo cho chị V. đã gửi 1 két sắt có chứa 320.000 USD cho chị thông qua một công ty giao nhận. Sau đó, D.J tự xưng là nhân viên của công ty giao nhận, liên lạc với chị V. yêu cầu đóng tiền lệ phí 11.000 USD để nhận két tiền. Trong ngày 14, 15.3, chị V. đã chuyển 11.000 USD vào tài khoản cho D.J, 5 ngày sau, D.J đã mang két sắt đến giao. Chị V. mở ra thấy toàn tờ giấy màu xanh, liên lạc với D.J thì người này nói chị V. phải chi 60.000 USD để mua hóa chất tẩy rửa số USD nói trên. Nghi mình bị lừa, chị V. đã đến Công an Q.Thủ Đức trình báo bắt giữ D.J. Tại trụ sở công an, bước đầu, D.J đã thừa nhận chính y dựng lên “kịch bản” trên lừa chị V. |
Đàm Huy
>> Phá băng tội phạm quốc tế lừa tiền qua điện thoại
>> Bắt 5 nghi can lừa tiền qua điện thoại
>> Thêm nạn nhân bị lừa tiền qua điện thoại
>> Xuất hiện nghi vấn lừa đảo qua điện thoại
>> Lừa đảo qua điện thoại
Bình luận (0)