Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, xử lý như thế nào?

26/03/2023 11:21 GMT+7

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, trừ đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế.

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM vừa khởi tố, tạm giam 3 người quốc tịch Malaysia phạm tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, gồm: Leaw Boon Kiat (36 tuổi), Thong Joon King (32 tuổi), Gan Ban Lee (42 tuổi).

Các bị can trên có hành vi đưa 30 công dân Indonesia sang Việt Nam, "giam lỏng" để cưỡng ép thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại.

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, xử lý như thế nào?

Cụ thể, các nghi phạm người Malaysia dụ dỗ 30 công dân Indonesia đến Việt Nam. Các nạn nhân bị chia thành 6 nhóm, nhóm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11.2022, nhóm gần nhất đến Việt Nam vào ngày 10.3.2023.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, 30 người Indonesia bị thu giữ hộ chiếu, điện thoại, đưa về tòa nhà số 455 Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), không cho ra ngoài. 

Những người này bị cưỡng ép giả danh công tố viên, cảnh sát, nhân viên ngân hàng… gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Đối với 30 người Indonesia bị "giam lỏng", Cơ quan An ninh điều tra cho biết, Công an TP.HCM sẽ phối hợp Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á, để đưa 30 người Indonesia về nước theo đúng quy định.  

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Các căn phòng giam lỏng 30 người Indonesia để huấn luyện các chiêu gọi điện lừa đảo

THANH TUYỀN

Về việc người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào, luật sư Lê Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay Điều 5 bộ luật Hình sự đã nêu, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

Song, luật sư Hùng cũng nhấn mạnh, khoản 2 Điều 5 cũng quy định đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Theo luật sư Hùng, đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, bao gồm: cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó, cũng như thành viên gia đình họ.

Cận cảnh căn nhà 'giam lỏng' 30 người Indonesia sang Việt Nam giả làm cảnh sát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.