Người nuôi cá Koi ở Củ Chi - Kỳ cuối: Giấc mơ Koi Farm xuất khẩu

19/11/2009 10:50 GMT+7

(TNTT>) “Tân gia” trại cá xong, chi bộ Hải Thanh tổ chức ngay đại hội lần thứ hai bàn cách củng cố và phát triển trại. Đại hội lần thứ nhất đã diễn ra ở Q.7, thời còn làm công viên nước Đại Dương.

Ông bí thư chi bộ vượt khó

Lúc đó, chi bộ có năm đảng viên và Hải Thanh là đơn vị ngoài quốc doanh thứ hai tại thành phố xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp - một điểm sáng không dễ thấy ở nhiều nơi. Có lẽ, do cách cảm nhận tình hình của người đứng đầu. Nhớ hồi 2004, đoàn cán bộ ban tổ chức trung ương Đảng và thành ủy đến thăm mô hình, ông Dũng đã mạnh miệng phát biểu “đảng viên phải đi đầu trong việc phát triển kinh tế, phải làm kinh tế giỏi”. Mới mẻ. Táo bạo. Nhiều vị lãnh đạo ngạc nhiên. Lúc đó, thành phố đã có chủ trương này nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng cảm nhận và áp dụng được.

Ông Tư Dân, Bí thư quận ủy Q.7, nhớ lại: “Khi quận xuống vận động, Hải Thanh hưởng ứng ngay. Họ đã xây dựng được chi bộ và hoạt động rất tốt. Nhờ đó mà doanh nghiệp đã nhiều lúc tự vượt qua được khó khăn”. Hồi 2003, lúc thành lập chi bộ, ông Dũng suy nghĩ: “Nhiều nơi, họ nghĩ có Đảng trong tổ chức sẽ bị giám sát, hạn chế trong kinh doanh. Tôi thì nghĩ doanh nghiệp có Đảng sẽ được hỗ trợ rất nhiều và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, nhất là khi mình biết vận dụng đúng các chủ trương, chính sách”. Thực tế sau rất nhiều lần chuyển dịch cơ cấu con giống, vật nuôi, cụ thể ở đây là các loài cá, Hải Thanh nhờ áp dụng đúng các chính sách, chủ trương nên đã thành công.

 

Trước mắt ông Dũng, còn rất nhiều việc phải làm

Ông Dũng suy nghĩ, có Đảng trong doanh nghiệp cũng là điểm sáng để thu hút anh em đến với mình: “Nhiều đảng viên là bộ đội, là đồng đội, nếu đến nơi khác, rất khó sinh hoạt. Còn đến đây có chi bộ, được sinh hoạt với đồng chí, đồng đội mình, quyền lợi về chính trị và kinh tế của họ đều được đảm bảo, khiến họ an tâm, chí thú công tác”. Và, “nếu mình có mất phương hướng hay sa đà, chính những đảng viên sát cánh bên cạnh sẽ lập tức giúp đỡ, động viên tư tưởng, giúp mình đi đúng hướng”. Ông Dũng lau nước mắt, nhắc một kỷ niệm về tình anh em đồng chí không thể nào quên: Năm 2005 là thời điểm khó khăn nhất của công viên nước, khách không có, tiền không có, ông Dũng nằm viện chữa trị ung thư nhiều hơn ở nhà, anh em cứ ráng tự động viên nhau cầm cự. Khó khăn tới mức, đến ngày 30 Tết, cả công ty, cả nhà không còn một đồng bạc để đi chợ, sắm đồ...

Ông Dũng tập trung anh em lại giữa công viên, chia sẻ khó khăn, mọi người buồn lắm nhưng chẳng ai không thông cảm. Chợt đến chiều, có người bạn gọi cho ông Dũng kêu đến nhà cho mượn 3 lượng vàng. Mừng quýnh cả lên. Đến nơi, họ nói đã mượn được thêm các anh em khác 2 lượng nữa, tổng cộng là 5 lượng. Lúc đó, chạy về thì đã sang giờ chiều. Có tiền, anh em cũng chẳng về quê kịp, cũng chẳng gửi tiền về cho gia đình kịp. Thế là chia hết ra để mọi người sắm sửa bánh chưng, giò chả, ở lại ăn Tết với công viên... Ông Dũng ngậm ngùi: “Chỉ có lính, mới sống được với nhau như vậy”. Đến nay, chi bộ Hải Thanh đã kết nạp được thêm ba đảng viên mới, hai kỹ sư, một trung cấp ngành hải sản. Nhiều người đã lập gia đình, sinh con, ăn ở ngay dưới trại cá Củ Chi và tính chuyện gắn bó lâu dài...

Và giải bài toán cá Koi

 

Chăm sóc đàn cá Koi mới đẻ ở Củ Chi

Tháng 4.2009 vừa rồi, ông Dũng sang Nhật Bản tham gia đấu giá cá Koi ở một giải lớn. Trận đấu giá diễn ra rất căng thẳng với nhiều khách đến từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Mỹ, Nhật... Những nước đã có thị trường cá Koi phát triển hùng mạnh từ hàng trăm năm nay. Họ chưa hề biết đến một thị trường cá Koi tại Việt Nam. Chỉ ông Dũng biết rằng, con cá Koi vô địch này có giống rất tốt - “mẹ nó dài 1,16 mét, màu sắc và “body” rất chuẩn” - thông tin quý hơn vàng này được chính ông chủ trại cá người Nhật bật mí cho ông Dũng vì có tình cảm đặc biệt với vị khách Việt... Hơn 100 khách đã tham gia đấu con cá này, đến vòng cuối cùng, chỉ còn 3 người, 1 Trung Quốc, 1 Indonesia và ông Dũng. Đến khi xướng tên, cả hội trường “ồ” lên khi biết người thắng cuộc là ông Dũng, người Việt Nam. Họ ngạc nhiên vì lần đầu tiên khi nghe Việt Nam cũng chơi cá Koi. Trong khi hai người thua, dù buồn nhưng cũng lại bắt tay ông Dũng làm quen, hẹn ước khi nào con cá này đẻ, kêu họ qua mua giống...

Cá Koi - Ảnh: N.L.N

Dũng “cá” quyết ghi điểm ở trận đó, vì ước nguyện thế này: “Đây là trận lớn, con cá nổi tiếng, tôi quyết tâm được nó; thứ nhất để mang về Việt Nam làm giống chuẩn. Thứ hai, để người chơi thế giới phải nhắc đến Việt Nam, biết rằng chúng ta đã có những con cá rất đẹp, mai mốt họ phải qua đây mua hàng”. Mới biết, biệt danh và bản lĩnh Dũng “cá” vang dội từ hàng chục năm nay không phải là “hữu danh vô thực”. Ông Tư Dân suy nghĩ: “Hải Thanh đã từng thành công bởi cá rô phi, giờ chuyển tiếp sang nuôi cá Koi là hướng đi phù hợp với chủ trương, thị trường”. Ông Hai Hoàng, phó ban chỉ đạo nông nghiệp phát triển nông thôn TP.HCM, người đã sát cánh với ông Dũng từ ngày khởi công “đại dự án cá Koi” này, phấn chấn: “Cá Koi nuôi tại Củ Chi đã có thể cho sinh sản quanh năm, nó không gặp những mùa đông khắc nghiệt như ở Đài Loan hay Trung Quốc. Khi phong trào nuôi trong nước lớn mạnh, ta có thể xuất khẩu được cá Koi, bởi thị trường thế giới còn rất rộng”. Sau một năm rưỡi trời đầu tư, thử nghiệm và hoàn thiện thành công dây chuyền sản xuất, với ông Dũng, có thể tạm coi là thành công cùng con cá Koi. Người chơi thì cũng chẳng phụ.

 

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi bên showroom

Những ngày này, xe hơi, xe tải đã vô ra nhiều ở trại cá, ở showroom để tham quan, học hỏi, mua cá chơi, mua giống về làm đại lý... Dù cho, đã có thể tung ra thị trường sớm hơn nhưng với cái tâm và bản lĩnh thật sự, ông Dũng đã phải rất kiên nhẫn lùi cái ngày đó lại: “Một năm rưỡi trời, nuôi, chỉ xem cá đẻ, chọn cá đẹp, chờ xem nó sống được bao lâu trong thời tiết Việt Nam. Hàng tỉ tiền cá đã “bay” rồi. Cá nhập khẩu đẹp, đắt tiền, chết, chó ăn no, giờ vẫn còn ướp đầy thịt trong tủ lạnh. Lứa này đã sống, đẹp, khỏe, ổn định rồi tôi mới nhận xét và kết luận được”.

Với Dũng “cá”, ra thị trường không phải chuyện đùa. Con cá ổn định là con cá phải nuôi sinh sản, sống được, thị trường trong nước mới bền vững. Ông Dũng nói: “Mình làm cá, không phải dựa phong trào, chờ may rủi kiểu “phong thủy” như cá la hán, hay quá phụ thuộc nhập khẩu như cá rồng. Đẻ ra bầy cá, bán cho khách mà không đảm bảo được nó có sống, có lớn, có đẻ, có đẹp hay không – tôi không có tâm để làm việc đó”.

Chia tay Dũng “cá”, càng bất ngờ hơn khi biết ông đã dồn sức đầu tư hơn 50 tỉ đồng cho dự án cá Koi này. Sau “thất bại nhớ đời” từ công viên nước, người Đảng viên này đã tự đứng dậy bằng đôi chân của mình, để xây dựng những mô hình “để đời” mới. Huyện, thành phố mừng, ủng hộ, khuyến khích nhân rộng mô hình. “Đất thép” đã nở hoa. Chi bộ Hải Thanh ngày một đoàn kết, vững mạnh. Lê Hữu Dũng đã có thời gian ước mơ về một thị trường cá Koi xuất khẩu sang Trung Quốc, châu u, Singapore… Và trên mảnh đất rừng vốn hoang hóa và còn nhiều dấu tích bom đạn chiến tranh này sẽ ngày xuất hiện nhiều hơn những trang trại cá du dịch lịch sinh thái – những Koi farm hấp dẫn, hiệu quả, hoành tráng.

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.