Người nuôi cá tra không dám thả nuôi tiếp

23/04/2014 10:18 GMT+7

Sau gần 3 năm thua lỗ, gần đây giá cá tra tăng lên 24.500 - 25.500 đồng/kg bảo đảm cho người nuôi lời khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng bà con vẫn không dám thả nuôi tiếp vì sợ lại gặp cảnh rớt giá.

Người nuôi cá tra không dám thả nuôi tiếp

 Nuôi cá tra ở P.Phước Thới (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) - Ảnh: An Lạc

Tăng không ổn định

Phường Tân Lộc và Thuận An là những nơi có diện tích nuôi cá tra nhiều nhất ở Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ). Tuy giá cá tra đang tăng cao nhưng người nuôi ở đây chẳng còn cá để bán. Ông Chương Văn Thể (ngụ P.Tân Lộc) tiếc rẻ: “Mấy ngày nay, các nhà máy chế biến thủy sản và thương lái “săn lùng” cá tra ráo riết với giá đưa ra từ 25.000 đồng/kg trở lên. Giá này, nếu ai nuôi khéo sẽ lời 2.000 đồng/kg, còn nuôi bình thường cũng kiếm được 1.500 đồng/kg… Tuy nhiên, số hộ có cá để bán đợt này không bao nhiêu”. Theo ông Thể, do mấy vụ rồi giá cá quá thấp làm người nuôi bị thua lỗ nên nhiều hộ đã cạn vốn không còn khả năng nuôi lại. Còn bà Trần Thị Ngoặt (ngụ P.Thuận An) cho biết khu vực này có hơn 50% số hộ tạm ngưng nuôi cá.

Tại Vĩnh Long, Đồng Tháp... nhiều hộ dân cũng nhốn nháo bởi giá cá tăng. Ông Nguyễn Văn Mách (ngụ xã Tân Thành, H.Lai Vung, Đồng Tháp) cho rằng đa phần những hộ trúng giá đợt này đều có “nội lực mạnh” nên mới duy trì nuôi tiếp, còn những hộ vốn ít đã ngưng nuôi cá tra từ lâu, hoặc chuyển sang nuôi cá lóc, cá rô. Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Hường (ngụ H.Tân Hồng, Đồng Tháp) nhìn nhận: “Việc nhiều hộ tạm ngưng nuôi làm sản lượng cá tra giảm dẫn tới cung thấp hơn cầu và giá tăng là chuyện hiển nhiên”.

Còn nhiều lo toan

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu cá tra trên thế giới gần đây có những diễn biến tích cực đã kéo giá cá nguyên liệu tăng theo. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết hiện giá cá tra phi lê xuất khẩu sang thị trường châu u, châu Á, châu Mỹ... dao động ở mức 2,7 - 2,8 USD/kg, đây là mức giá có lợi cho doanh nghiệp và người nuôi cá. “Song, không vì thế mà chúng ta quá lạc quan rồi ùn ùn mở rộng diện tích nuôi, bởi thị trường xuất khẩu trên thế giới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước vẫn thường bị các nhà nhập khẩu tìm cách ép giá nên mọi việc cần phải thận trọng”, ông Đạo cảnh báo.

Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản An Giang, cho rằng sau khi giá cá tăng, hiệp hội đã khảo sát và tìm hiểu tình hình. Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khi xuất khẩu cá tra vào thị trường Đông u, Nga… Do đó, người nuôi cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mở rộng diện tích nuôi, nhằm tránh tình trạng thừa nguyên liệu, dẫn tới rớt giá trong thời gian tới.

Phía Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận tình trạng thiếu cá nguyên liệu hiện nay chủ yếu mang tính cục bộ ở một số địa phương và doanh nghiệp. Trong khi đó, đa phần những doanh nghiệp xuất khẩu lớn đều chủ động cơ bản nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Điều này cho thấy việc thiếu cá nguyên liệu về lâu dài là khó xảy ra. Mấu chốt của nghề nuôi và xuất khẩu cá tra là cần giải quyết bài toán “thiếu cá giá tăng, thừa cá giá rớt” để người nuôi không bị thiệt và không đánh đu theo thị trường một cách bấp bênh.

 Theo ông Lê Chí Bình, cần có biện pháp quản lý hiệu quả diện tích và sản lượng nuôi toàn vùng, nhằm điều phối hợp lý theo nhu cầu “tăng - giảm” của thị trường trong từng thời điểm; đồng thời xem xét đưa ra giá sàn xuất khẩu để định giá sàn cá nguyên liệu theo hướng có lợi cho người nuôi. Có như vậy người dân mới an tâm đầu tư nuôi cá. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết quan điểm của tỉnh là không mở rộng thêm diện tích nuôi cá tra nhằm tránh tình trạng dư thừa nguyên liệu. Thay vào đó tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cá, việc nuôi phải gắn với doanh nghiệp thì nghề nuôi, xuất khẩu cá tra mới phát triển bền vững.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.