Tọa lạc tại số 42 Nguyễn Huệ (Q.1) có căn chung cư cũ lấp lánh nhiều màu sắc ngay phố đi bộ hoa lệ. Nơi đây được ví như thiên đường cà phê, ăn uống, điểm check in của không ít người trẻ.
Trước sự phát triển, đổi thay chóng mặt với những tòa nhà hiện đại mọc san sát, chung cư này vẫn giữ nguyên hình dáng hoài cổ đặc trưng hiếm nơi nào có được.
Sống đơn giản giữa 'đất vàng'
Hình ảnh một tòa chung cư cũ giữa "khu đất kim cương" từng khiến biết bao du khách nước ngoài mê mẩn bởi kiến trúc hoài cổ độc đáo, không gian thoáng mát.
Khi phố đi bộ Nguyễn Huệ được khởi công xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, giá đất xung quanh khu vực này đã nhảy lên tới cả tỉ đồng/m2.
Nhiều cư dân đã cho thuê lại mặt bằng nên số lượng hàng quán trải đều khắp 9 tầng lầu. Không ít cư dân lâu đời ở đây vẫn giữ những lối sống xưa cũ bên cạnh sự phát triển, đổi thay vượt bậc của không gian xung quanh và thành phố năng động, phát triển nói chung.
Chúng tôi đến chung cư 42 Nguyễn Huệ vào một buổi chiều đầu tháng 3. Thay vì đi thang máy cho tiện, tôi chọn đi bộ từ lầu 1 đến lầu 9 để tự trải nghiệm nét độc đáo của nơi này.
Nằm giữa khu vực buôn bán sầm uất nhưng không gian chung cư khá yên tĩnh, chút nắng chiếu vào từng ô tường khiến người cảm nhận như chìm vào sự lãng mạn.
Tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Để (72 tuổi) khi đi cầu thang từ lầu 7 lên lầu 8. Thoạt nhìn, tôi không nghĩ nhà kho chất đầy đồ đạc kia lại là nơi ở của bà. Căn phòng quá bé và chật hẹp với diện tích vỏn vẹn khoảng 3m2. Bà Để nằm ngủ trên chiếc gác xép với lối lên xuống bằng chiếc thang nhỏ. Phía dưới bà để quần áo, tủ lạnh, bếp gas,…. Dù diện tích nhỏ nhưng bà sắp xếp khá gọn gàng.
Ngồi tạm ở cầu thang, bà kể cơ duyên gắn bó với căn phòng siêu tí hon này. Hồi trước, bà sống trong một biệt thự rộng lớn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Bà không phải là người giàu có. Căn biệt thự của người Pháp, mẹ bà làm việc cho họ nên bà mới được vào sống phụ mẹ. Sau năm 1975, người Pháp về nước, mẹ con bà cũng phải ra ngoài.
Bà Để sống ở chung cư 42 Nguyễn Huệ từ năm 1987. Bà có 4 người con (ba gái, một trai). Ba mẹ bà có nhà ở Q.4 nhưng con cái đông, mỗi người đến một nơi khác sinh sống. Mẹ con bà cùng người em dâu đến đây thuê ở lầu 2. Được một thời gian, họ cùng chuyển lên lầu 5 thuê. Em dâu của bà đi Mỹ, bà không có tiền gánh chi phí thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng nên mấy mẹ con ra vỉa hè ở.
"Mẹ con tôi đi quét cầu thang, thấy phòng này đổ rác nhiều quá, rác tràn lan bít cả đường đi. Hồi đó, ông ở tổ an ninh nói tôi dọn sạch sẽ rồi ở tạm. Ngày nào mấy mẹ con cũng lấy rác bỏ vô bịch, làm cả năm trời mới sạch được cái phòng này để ở", bà cho hay.
Mấy đứa con bà lớn lên trong căn phòng siêu bé đó. Họ trưởng thành, dựng vợ gả chồng mỗi người một nơi nhưng vẫn trong địa bàn thành phố. Người sống ở Q.8, người có nhà ở Q.7, người sống gần bà ở đường Trần Đình Xu (Q.1). "Người con trai đã mất năm 30 tuổi do tai nạn", bà Để nói với giọng đượm buồn.
Hàng ngày, cuộc sống bà diễn ra khá đơn giản. Bà bán nước dưới chân chung cư từ 10 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Thích ăn gì, bà sẽ mua về nấu còn không sẽ ăn cơm hộp.
"Tôi làm gác nhỏ trên kia, có chỗ lên xuống, điện, nước vẫn có dùng. Mỗi tháng hết khoảng 50.000 đồng tiền điện, 20.000 đồng tiền nước. Tôi bán nước hàng ngày, nhớ đứa nào thì đến nhà đứa đó chơi. Ở đây, khách Tây đông lắm, tiếp xúc nhiều thấy cũng bình thường. Họ có hỏi lối lên cầu thang chung cư tôi vẫn chỉ được", bà Để cười nói.
Bà Để cho hay, hành lang chung cư rất thoáng, sạch đẹp. Hồi trước, bà xem nơi đây là thiên đường. Giờ hàng quán xuất hiện ngay trong từng lầu của chung cư, khách du lịch ra vào thường xuyên. Cũng bởi lẽ đó, bà không bao giờ thấy buồn, cô đơn dù sống một mình trong phòng nhỏ.
"Tôi bán nước vẫn có tiền đủ nuôi sống bản thân. Giờ có chỗ chui ra, chui vô là được rồi. Căn chung cư này nhìn cũ vậy chứ gạch xây chắc lắm, không dễ gì mà xuống cấp, hư hỏng", bà chia sẻ.
"Ung dung không muốn đổi đời"
Bà Ngô Thị Thanh Tần (61 tuổi, phó ban quản trị chung cư) sống ở đây từ năm 1978. Bà quê gốc ở Thanh Hóa vào miền Nam học trường Hải quân. Tốt nghiệp xong, bà làm việc tại Cảng Ba Son.
Bà Tần cho biết, các căn hộ trong chung cư 42 Nguyễn Huệ được nhà nước cấp cho cán bộ nhà nước. Bà Tần gắn bó từ đó đến nay. Căn hộ vợ chồng bà Tần sống có diện tích khoảng 40m2, đồ đạc được bà sắm sửa tiện nghi, sắp xếp gọn gàng. Bà giữ nguyên thiết kế gốc và sơn sửa lại cho mới.
"Lúc đầu về đây không có thang máy vất vả lắm, leo từng lầu một. Sau khi mở phố đi bộ, nhiều người đến kinh doanh, khách đông hơn. Hiện ở đây chỉ có hơn 20 hộ sinh sống còn đâu cho thuê mặt bằng kinh doanh ăn uống, giải trí", bà nói.
Trước đây, bà Tần cũng cho thuê căn hộ với giá gần 20 triệu đồng. Sau này nhà đông người hơn, bà lấy lại để ở. Bà có hai người con đều có nhà riêng ở nơi khác. Bà vẫn "ung dung không muốn đổi đời" dù phố thị đã tấp nập, nhộn nhịp phát triển theo thời gian.
"Tôi vẫn thích ở đây, sinh hoạt rất thuận lợi. Muốn đi phố cũng nhanh, chẳng may bệnh hoạn có bệnh viện cùng gần. Tôi còn tham gia công tác xã hội nên ở đây, chưa đi xa được. Phố đi bộ đông vào thứ 7, chủ nhật nhưng tôi đã quen, thấy bình thường, giờ không ồn ào lại thấy thiếu. Trước tôi về quận 7 sống 2 năm nhưng bị stress vì buồn và không quen nên vẫn quay lại căn chung cư này", bà chia sẻ.
Xem nhanh 12h ngày 3.3: Khu căn hộ ngàn tỉ ở Thủ Thiêm sắp đấu giá | Vật vã vì ‘cạn’ vật tư y tế
Bình luận (0)