Người Pháp và lá phiếu để thay đổi
Ngày 23.4, PV Thanh Niên đã có mặt tại khu bỏ phiếu của trung tâm hành chính quận 13, thủ đô Paris để ghi nhận tình hình bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 tại đây.
Tự động phát
Toàn bộ 67.000 phòng phiếu tại Pháp đều mở cửa vào 8 giờ sáng ngày 23.4 (13 giờ, giờ VN) để chờ đợi 47 triệu cử tri và sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ. Do là ngày cuối tuần, nên khi khu bỏ phiếu của trung tâm hành chính quận 13 - điểm số 1 của quận này - bắt đầu mở cửa, số người đến thực hiện quyền công dân khá vắng. Nhưng càng về trưa, cử tri đến càng đông, xếp hàng dài ra đến ngoài khu vực bỏ phiếu. Nhiều cặp vợ chồng đưa con nhỏ theo, để cả gia đình cùng tham dự vào sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia.
Tính đến 12 giờ (giờ Paris, tức 17 giờ, giờ VN), theo Bộ Nội vụ Pháp, đã có 28,54% số cử tri đi bầu, tăng nhẹ so với cùng thời điểm của vòng 1 kỳ bầu cử năm 2012 (28,3%).
PV Thanh Niên đã phỏng vấn một số cử tri tại điểm bỏ phiếu số 1 của quận 13. Chị Anne R. nhận định: “Bầu cử tổng thống luôn là một sự kiện rất quan trọng vì chúng tôi được chọn lựa người sẽ dẫn dắt đất nước trong vòng 5 năm. Khác với nhiều người chọn hẳn lập trường chính trị thiên tả hoặc thiên hữu, cá nhân tôi không nghiêng về một đảng hay chính trị gia nào mà vào mỗi dịp bầu cử, tôi sẽ theo dõi chương trình của các ứng viên để lựa chọn. Mối quan tâm của tôi là kinh tế, chế độ an sinh xã hội, môi trường và an ninh. Chúng tôi mong chờ tân tổng thống sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đất nước”.
Bác sĩ Nguyễn Đình Hải, hiện làm việc tại Paris, cho biết: “Kỳ bầu cử này rất khó dự đoán. Tôi nghĩ rằng không thể chắc chắn được điều gì khi kết quả chưa chính thức công bố. Tôi theo dõi chính trị tại Pháp đã nhiều thập niên nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy có một vài người quen (người Việt) lên tiếng ủng hộ ứng viên Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) dù biết rõ bà ấy rất kỳ thị chủng tộc. Còn đánh giá chung thì theo tôi, trong số các ứng viên tổng thống, ông François Fillon là người có chương trình tranh cử chi tiết và thực tế nhất”.
|
Tuy cộng đồng người Việt chỉ là thiểu số, nhưng nhận xét của bác sĩ Hải cho thấy thực tế ngày càng có nhiều cử tri Pháp ủng hộ bà Le Pen một cách công khai. Chiến lược “mềm mại hóa” hình ảnh của FN đã tỏ ra hiệu quả, giúp bà thuyết phục được nhiều người Pháp. Ngoài ra, nỗi bất an từ các vụ tấn công liên tiếp ở Pháp từ năm 2015, mà mới nhất là tại Đại lộ Champs-Élysées ở Paris vào ngày 20.4, đã làm nhiều cử tri lựa chọn ứng viên cực hữu.
Những thăm dò cuối cùng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra cho thấy trong số 11 người tranh cử, có 4 ứng viên nhận được sự ủng hộ vượt trội: đại diện phong trào chính trị Tiến lên (EM) Emmanuel Macron; Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen; cựu Thủ tướng Pháp François Fillon (đảng Những người Cộng hòa - LR) và đại diện phong trào Nước Pháp không khuất phục (FI) Jean-Luc Mélenchon. Theo thăm dò đăng trên tờ Le Point ngày 21.4, ông Macron có số điểm cao nhất (24,5%), xếp trên bà Le Pen (23%) và 2 ứng viên Fillon, Mélenchon (cùng 19%). Người xếp thứ 5 là ứng viên Benoît Hamon của đảng Xã hội, bị bỏ khá xa với tỷ lệ ủng hộ chỉ 7%.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)