Người Philippines ở TP.HCM - Kỳ 4: Một cộng đồng đoàn kết

08/10/2011 01:01 GMT+7

Vào một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi có mặt tại nhà thờ ở Q.2, TP.HCM, nơi cộng đồng người Philippines thường đến tham dự thánh lễ và sinh hoạt.

>> Kỳ 3: Làm gia sư, chạy xe ôm... 

Sau thánh lễ, mọi người quây quần quanh khuôn viên nhà thờ để chia sẻ với nhau cuộc sống xa quê hương. Khoảng hơn 100 người, không phân biệt giàu nghèo, doanh nhân hay người lao động, họ hòa đồng, lắng nghe và chia sẻ với nhau những khó khăn, thuận lợi khi làm việc và sinh sống trên đất khách. Qua cuộc nói chuyện, có thể thấy người Philippines sống rất biết tương trợ nhau. Bằng chứng là những người đến TP.HCM trước sẽ hướng dẫn người đến sau, ai chưa có chỗ ở thì họ sẵn sàng đưa về ở cùng cho đến khi tìm được việc, có lương để đi thuê nhà.


Người Philippines sang VN bán quần áo - Ảnh: B.T

Hầu hết mọi người lao động chân tay đều chia sẻ rằng, cuộc sống của họ hơi bất an vì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị trục xuất. Nếu phải về nước thì họ rất tiếc, vì cuộc sống ở TP.HCM cho họ nhiều thứ. Một người đàn ông cao lớn, tướng bệ vệ, ông giới thiệu là đang làm chuyên gia cho một công ty trong KCN VN-Singapore (Bình Dương) đứng dậy nhắc nhở mọi người rằng, hãy sống đúng luật pháp VN và thể hiện là người Philippines có văn hóa. Một phụ nữ trung niên nhìn rất sang trọng, bà giới thiệu là một doanh nhân đã làm việc ở TP.HCM gần 5 năm đứng dậy phát biểu là cũng đang rất trăn trở khi phần lớn người Philippines đang sống và làm việc tại TP.HCM là những lao động chưa hợp pháp. Vì theo bà biết, luật pháp VN chỉ cấp giấy phép lao động và thẻ cư trú dài hạn cho những chuyên gia, doanh nhân... Cho nên một bộ phận lớn người Philippines đang phải sống một cách “đối phó”. Bà doanh nhân vừa dứt lời thì một phụ nữ luống tuổi, nói chậm rãi, tán thành ý kiến trên và bà còn bảo rằng, vì sống “đối phó” cho nên khi gặp phải chuyện gì cũng không dám lên tiếng.

Theo Nghị định 34 của Chính phủ (34/2008/NĐ-CP) và Nghị định 46 (46/2011/NĐ-CP) thì hiện nay, những người  nước ngoài giúp việc nhà hay lao động phổ thông không được cấp giấy phép lao động. Ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, dù nhu cầu cần người giúp việc cao cấp là có thực nhưng chỉ rơi vào một bộ phận nhỏ là các gia đình nước ngoài, Việt kiều chứ không phải nhu cầu chung. Còn các gia đình VN, chắc chắn rất hiếm nhà nào chịu bỏ ra một số tiền gần cả ngàn USD để thuê người giúp việc. Cho nên việc kiến nghị để cấp giấy phép lao động cho dạng này là chưa cần thiết.

Nhưng một ý kiến khác lại cho rằng, nên học tập các nước bạn, cấp giấy chứng nhận chuyên gia cho lao động dựa vào mức lương họ hưởng. Ví dụ, quy định một người được hưởng lương 20 triệu đồng/tháng trở lên họ nghiễm nhiên có giấy phép lao động và phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Làm như thế, vừa tạo điều kiện cho lao động nước bạn hòa nhập một cách hợp pháp vào cuộc sống mới, vừa là sự công bằng trong việc cùng hưởng lợi và cùng đóng thuế. Ngoài ra, với đà phát triển mọi mặt như ở TP.HCM, thiết nghĩ người giúp việc cao cấp, được đào tạo bài bản đang là một nhu cầu có thực, không chỉ với các gia đình nước ngoài hay Việt kiều mà cả gia đình VN.

Phường Tân Phong, Tân Phú, Tân Hưng, Q.7 là nơi có nhiều người nước ngoài đang cư trú, trong đó có một bộ phận người Philippines. Theo các cán bộ tiếp nhận hồ sơ lưu trú thì những người nước ngoài đến đăng ký tạm trú rất nghiêm túc và thường ở các diện như doanh nhân, giáo viên, thăm thân, du lịch... chứ không ai khai báo giúp việc nhà hay làm các nghề khác.

Người Philippines gây án

Tuy nhiên, không phải người Philippines nào qua VN cũng sống và lao động chân chính như những trường hợp trên, có một bộ phận ẩn náu ở TP.HCM để làm chuyện phi pháp. Bộ phận này thường là những đối tượng đến VN để "đánh nhanh rút gọn". Bằng chứng là gần đây, Công an TP.HCM bắt được nhiều nhóm người Philippines, cả nam lẫn nữ chuyên gạ gẫm khách nước ngoài chơi bài bịp để lừa lấy tiền. Thủ đoạn của nhóm này là vào VN bằng con đường du lịch, sau đó thuê nhà ở xa trung tâm Q.1 để đưa con mồi về “xẻ thịt”. Họ chỉ lưu trú 1 - 2 tháng để gây án kiếm tiền, rồi về nước...

Một trong số đối tượng bị bắt khai nhận, kể từ ngày vào Việt Nam gây án (2008-2009) đã lừa lấy được hơn 20.000 USD. Và với thủ đoạn tương tự, bọn chúng còn đến các nước Campuchia, Thái Lan gây án. Liên quan đến băng nhóm tội phạm này, có ít nhất là 8 người bị bắt.

Ngoài ra, một số người Philippines còn tới TP.HCM để tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do người gốc châu Phi điều khiển. (Đàm Huy)

Biên Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.