Công tác xã hội trong trái tim tôi

Người phụ nữ 'chinh phục' trái tim của 22 em nhỏ

13/06/2024 09:00 GMT+7

Có một gia đình đầy đủ song bà Kiều Thị Oanh chọn công việc "làm mẹ" của những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Nhà trẻ em núi Ba Vì suốt hơn 20 năm qua.

Nhà trẻ em núi Ba Vì nằm ở xã Vân Hòa (H.Ba Vì, TP.Hà Nội), hiện đang cưu mang các em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi cha mẹ, gia đình quá khó khăn, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bóc lột sức lao động…

Người phụ nữ 'chinh phục' trái tim của 22 em nhỏ - Ảnh 1.

Mẹ Oanh hiện đang nuôi dưỡng các em tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

LÂM NGUYỄN

Tất cả các em từ 4 - 21 tuổi đều gọi bà Oanh là mẹ. Bà dành hầu hết thời gian ở nhà trẻ để chăm sóc cho các em nhỏ, vậy nên nhiều người mới hỏi bà rằng: "Bà không có gia đình hay sao?". Tuy nhiên, bà Oanh có chồng và 2 con trai đã trưởng thành.

"Hồi trẻ tôi từng ước mơ làm cô giáo nhưng không được học hành đầy đủ. Biết tin xã thông báo tôi ứng tuyển xem có thể gánh vác được việc này hay không, thấy các con bơ vơ tôi rất xót. Khi được chọn, tôi thầm nghĩ rằng sẽ gắn bó với công việc này lâu dài", bà Oanh kể.

Ngày đầu tiên đến với Nhà trẻ em núi Ba Vì, bà Oanh chăm sóc 22 em nhỏ. Có những em đã quen với người chăm sóc trước nên nhất quyết không gọi bà bằng mẹ, lẩn tránh sự gần gũi của bà. Dần dần, bằng tình cảm của một người mẹ, bà Oanh đã chinh phục được trái tim của 22 em nhỏ để tất cả đều gọi bà bằng tiếng mẹ thân thương.

Em Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: "Hồi mới về Nhà trẻ em núi Ba Vì, em bị trêu đùa rất nhiều, các bạn bảo em là đồ không có bố mẹ. Gia đình em không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, em cảm thấy rất tủi thân và buồn. Về với mẹ Oanh, em thấy như được sinh ra một lần nữa, mẹ Oanh không khác nào mẹ ruột của em".

Người phụ nữ 'chinh phục' trái tim của 22 em nhỏ - Ảnh 2.

Các em ở Nhà trẻ em núi Ba Vì đã biết phụ giúp mẹ Oanh việc nhà, tăng gia sản xuất

LÂM NGUYỄN

Một ngày của bà Oanh thật sự bận rộn. Buổi sáng bà lo bữa ăn sáng rồi đưa các con đi học. Sau đó bà trở về để chuẩn bị cơm trưa, giặt giũ quần áo, cứ như vậy đằng đẵng bao nhiêu năm bà chẳng mấy khi ở bên gia đình của mình. Bởi bà đã coi nhà trẻ em là gia đình thứ hai, các con ở đây như con ruột chính bà sinh ra.

"Nhiều con còn nhỏ không thể thiếu sự chăm sóc của người lớn, tôi không đành lòng để các con ở lại bơ vơ nên không dứt được", bà Oanh cho biết.

Không chỉ chăm lo đời sống cho các con, bà Oanh còn cùng các con tự cung tự cấp rau sạch cho những bữa cơm. Đây cũng là cách bà hướng dẫn các con lao động, biết trân trọng công sức của mình và vươn lên trong cuộc sống. Những em gái lớn đã biết làm việc nhà, chăm sóc các em nhỏ hơn, còn các em trai cũng học cách dần trở thành trụ cột gia đình sau này.

Em Bùi Chí Đặng lớn lên ở Nhà trẻ em từ nhỏ, hiện là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết: "Mẹ Oanh như một người bạn gần gũi với chúng em. Ngày trước có bạn mới vào còn lạ lẫm không cho ai đến gần và khóc cả ngày, mẹ Oanh đã tìm cách gần gũi, thấu hiểu nên ai cũng yêu quý mẹ.

Bà Dương Thị Yến, quản lý dự án Nhà trẻ em núi Ba Vì, cho biết: "Chị Oanh là người rất tình cảm, tận tụy. Chị coi các em ở đây như con ruột và luôn hy sinh, dành mọi điều tốt đẹp nhất cho các con".

Khi tôi hỏi về tâm nguyện của mẹ Oanh sau này, bà cho biết: "Tôi mong muốn sẽ không còn đứa trẻ nào phải nương nhờ vào nhà trẻ này nữa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.