Bà H. cho biết từng bị sỏi thận lâu năm và trải qua 2 lần mổ mở lấy sỏi thận tại địa phương, tuy nhiên 20 năm qua các cơn đau vẫn tái phát. Đặc biệt, khoảng một tháng gần đây, cơn đau ngày càng dữ dội, bà đến khám tại bệnh viện địa phương thì được bác sĩ chẩn đoán có sỏi thận hai bên, cả hai thận ứ nước độ 1. Bà H. được người nhà đưa đến Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM để điều trị.
Tại Bệnh viện Bình Dân, người bệnh cho biết bị đau nhức vùng hông lưng hai bên. Kết quả siêu âm ghi nhận thận phải ứ nước độ 1, kết hợp hình ảnh X-quang bụng không cản quang và CT-scan ghi nhận hai thận có sỏi phức tạp tại nhiều đài thận. Mỗi bên thận có khoảng 4-5 viên sỏi, kích thước sỏi lớn nhất khoảng 14x20x20 mm. Người bệnh có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường và từng trải qua tổng cộng 5 lần phẫu thuật vùng bụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Tán sỏi phối hợp nội soi ngược chiều và nội soi qua da
Đánh giá đây là một trường hợp sỏi phức tạp, kỳ vọng lấy sạch sỏi rất khó vì tình trạng sẹo vùng hông lưng dây dính sau nhiều lần can thiệp phẫu thuật trước đó, các bác sĩ Khoa Niệu B đã hội chẩn nhằm tìm phương pháp phẫu thuật tốt nhất cho người bệnh.
Sau khi nghiên cứu ca bệnh, nhóm phẫu thuật do Phó giáo sư Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, Phó chủ tịch Hội tiết Niệu-Thận học TP.HCM, hướng dẫn quyết định thực hiện tán sỏi thận bên phải phối hợp qua hai ngả nội soi ngược chiều và nội soi qua da (ECIRS). Phương pháp này được báo cáo có tỷ lệ sạch sỏi chỉ sau một lần phẫu thuật cao nhờ gia tăng khả năng tiếp cận sỏi tại các đài thận, vị trí khó trong tầm nhìn trực tiếp, ít mất máu và giảm nguy cơ tổn thương đài thận.
Ê kíp chia thành 2 nhóm thực hiện song song tiếp cận sỏi thận qua hai đường, nội soi ngược chiều bằng ống soi mềm, đi theo đường niệu đạo tiến đến thận, kết hợp nội soi qua da ngả hông lưng vào thận. Sau 180 phút nỗ lực thực hiện, các viên sỏi thận đã được bắn vỡ nhỏ bằng laser, đưa ra ngoài cơ thể theo cơ chế rửa trôi và gắp bằng rọ lấy sỏi.
Cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp với lượng máu mất không đáng kể. Kết quả kiểm tra trên màn hình huỳnh quang ngay sau phẫu thuật cho thấy người bệnh đã được lấy sạch sỏi thận.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Thiên Phúc, Trưởng khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân, cho biết sau phẫu thuật, người bệnh đã tự đi lại được vào ngày hậu phẫu thứ hai và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ tư. Người bệnh cho biết đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm, người bệnh không còn cảm nhận tình trạng đau nhức do sỏi thận gây ra, cơ thể nhẹ nhàng hẳn.
Phó giáo sư Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng cho biết, để tăng tỷ lệ sạch sỏi chỉ trong một lần điều trị, có thể thực hiện tán sỏi thận qua da với nhiều đường hầm. Nhưng cách này có nhược điểm là tăng nguy cơ chảy máu, nguy cơ tai biến khi số lượng đường hầm can thiệp nhiều. Kỹ thuật mới ECIRS tán sỏi thận kết hợp hai ngả nội soi ngược chiều và qua da là phương pháp vừa giúp mang lại hiệu quả sạch sỏi cao vừa giảm nguy cơ tai biến và biến chứng.
Bình luận (0)