Ngày 10.8, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam. Và người phụ nữ dũng cảm tôi muốn nhắc đến là bà Trần Tố Nga, 75 tuổi, người phụ nữ Pháp gốc Việt, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, bây giờ là Thông tấn xã Việt Nam.
Tôi đã đọc nhiều bài báo viết về bà Nga, nhưng mới gặp bà lần đầu tiên năm 2016, trong một lần bà về Việt Nam và ghé thăm nhà Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Chủ tịch quỹ hòa bình phát triển Việt Nam.
Trong căn nhà nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, bà Nga kể về những diễn biến mới của vụ kiện và hành trình phía trước. Tôi hiểu rằng, bên trong một người phụ nữ gốc Việt nhỏ bé là cả một trái tim phi thường.
Người mẹ “mừng” vì trong máu mình còn chất độc da cam
Những năm từ 1966 -1970, bà Nga làm việc dưới những vùng bị rải chất độc da cam nặng nề nhất Việt Nam như Củ Chi, Bình Long, đường mòn Hồ Chí Minh… Bà Nga có 3 người con gái đều bị ảnh hưởng chất độc da cam. Người con đầu tiên đã mất vì dị tật tim bẩm sinh, người thứ 2 bị dị tật đốt sống cổ, người thứ 3 bị dị tật bẩm sinh thông liên nhĩ.
Cho đến hôm nay, khi thế hệ thứ 3 sinh ra, cháu ngoại của bà Trần Tố Nga cũng bị dị tật hồng cầu. Bà Nga nói với tôi: “Người làm mẹ, thấy đau, nhưng người đi kiện, tôi mừng khi có thêm một bằng chứng sống trước tòa về hậu quả của chất độc da cam”.
Sau năm 1975, nhờ những cống hiến thúc đẩy mối quan hệ Pháp - Việt Nam, bà Nga được trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Bà định cư và nhập quốc tịch Pháp.
Năm 2009, “Tòa án công luận quốc tế vì nạn nhân da cam Việt Nam” được tổ chức tại Paris, bà Nga mang đến tòa án câu chuyện về bi kịch có thật của chính mình, đồng đội, đồng bào mình.
Luật sư Pháp William Bourbon có mặt, khi biết bà Nga có quốc tịch Pháp, ông đề nghị bà tiến hành vụ kiện và tuyên bố giúp đỡ bằng tất cả những gì mình có. Tuy nhiên, thời điểm đó, luật pháp Pháp không cho phép các thẩm phán tiến hành tố tụng quốc tế, cho đến năm 2013, các quyền hạn về luật quốc tế của tòa án Pháp được tái lập.
|
Ngày 14.5.2014 , đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đóng vai trò sản xuất, cung cấp vũ khí cho quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam được bà Nga đưa đi. Kèm đó là bản danh sách dài những bệnh mà bà và các con gái, cháu ngoại đang mang từ di chứng da cam, kèm nhiều lời chứng nhận của rất nhiều người, các bác sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng.
Tháng 3.2015, 18 công ty trả lời (trong đó có 2 công ty hóa chất lớn hàng đầu Mỹ là Monsanto, Dow-Chemical). Tòa quyết định ngày 18.4.2015 mở phiên đầu tiên. Nhiều phiên toà nữa sau đó đã diễn ra.
“Phiên tòa còn diễn ra là chúng tôi đang thắng”
Ngày 20.4.2017, đọc bản tin trên báo Thanh Niên về việc Toà án quốc tế kết luận Monsanto phá hoại môi trường (Phiên tòa do Quỹ tòa án Monsanto, Mỹ thành lập năm 2015, có tính chất dân sự, không có ràng buộc pháp lý), tôi viết email cho bà Nga. Từ nước Pháp, những con chữ mộc mạc gửi về.
tin liên quan
Tòa án quốc tế kết luận Monsanto phá hoại môi trườngPhiên tòa quốc tế về Monsanto đã xem xét 6 vấn đề liên quan đến tập đoàn Mỹ kinh doanh các sản phẩm hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Bà Nga nói, kết luận của tòa án quốc tế là một thắng lợi lớn và là niềm vui của mọi người trên toàn thế giới, đương nhiên sẽ có tác động lớn đến vụ kiện bà đang theo đuổi. Bà đang bị ung thư…
Tôi nhớ đến ánh mắt của người phụ nữ mình từng gặp trên phố Trần Hưng Đạo năm ngoái. Bà từng chia sẻ với chúng tôi, vụ kiện này không phải ngày một ngày hai sẽ kết thúc. Nó sẽ kéo dài nhiều năm, 10 năm nữa hoặc nhiều hơn nữa. Song, “cứ một phiên tòa là một bước thắng, phiên tòa còn diễn ra là chúng tôi đang thắng và còn đi tiếp”.
Ở tuổi 75, bà Nga nhiều lần bị nhồi máu cơ tim, tại nước Pháp, bà từng gượng dậy sau cơn đau để tự mình lái xe đi cấp cứu. Người phụ nữ gốc Việt vẫn chưa biết đâu là điểm kết thúc của hành trình này, tuy nhiên, lương tâm không cho phép bà dừng vụ kiện.
Chúng tôi, trong những chuyến công tác nhiều tỉnh thành tại Việt Nam đã gặp không ít những em bé, người già, cả những thanh niên đang mang trong mình di chứng chất độc da cam. Những gương mặt, thân thể dị dạng, những giọt nước mắt đau buồn nối dài qua các thế hệ, ở những miền quê nghèo. Chúng tôi nhớ đến những trăn trở của bà Trần Tố Nga.
Người phụ nữ trải qua những đau đớn khi con, cháu đều bị nhiễm chất độc da cam bộc bạch, điều làm bà xao động là hình ảnh những người cha người mẹ có con bị da cam ở khắp các miền quê không thể lên tiếng.
“Khi thế hệ thứ nhất vì chất độc da cam mất đi, vậy thế hệ thứ 2, thứ 3 thì ai nuôi? Tôi thấy trong ánh mắt những nạn nhân da cam khát vọng sống và lao động. Tôi muốn tiếp tục theo đuổi vụ kiện để những công ty Mỹ nếu lỡ lầm thì thức tỉnh, sửa lại những cái sai của mình. Đó là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, không bị số đông 38 luật sư giỏi nhất của Mỹ làm cho áp đảo”, bà Nga tâm sự.
Ngày 10.8, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam. Tôi luôn tin và mong mỏi, ở đâu đó trên khắp Việt Nam này, những người già, em bé, những nạn nhân chất độc da cam không bao giờ cô đơn.
Tôi nhớ đến lời Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong lần trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên năm 2016: “Qua vụ kiện của bà Trần Tố Nga, tôi mong muốn Mỹ và các tập đoàn này phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam, khắc phục những gì họ đã gây ra. Qua vụ kiện này cũng muốn nói với thế giới làm sao phải đấu tranh cho được, để không còn chiến tranh, không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt, không còn tội ác da cam. Chất độc da cam hủy diệt môi trường và hủy diệt con người, cái tàn ác nhất chính là hủy diệt con người”.
Bình luận (0)