Người phụ nữ Pháp ở TP.HCM tìm 'cuộc đời' mới cho quần áo cũ

19/01/2022 20:50 GMT+7

Một nhóm người Pháp sống tại P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) vừa qua đã tổ chức sự kiện trao đổi quần áo cũ , thu hút khoảng 100 người đến từ nhiều nơi trên thế giới tham dự.

Cũ người, mới ta

Chị Sonia Odin (43 tuổi, quốc tịch Pháp) và những người bạn nhận thấy ở Việt Nam việc trao đổi quần áo, đồ dùng cũ chưa thật sự phổ biến. Năm 2019, chị và bạn bè bắt đầu thành lập Saigon Swap với các sự kiện trao đổi đồ cũ trực tuyến và trực tiếp.

Hoạt động trao đổi quần áo vừa thoả mãn nhu cầu mua sắm vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường

NVCC

“Khái niệm trao đổi đồ có ở phương Tây từ lâu. Saigon Swap được thành lập với sứ mệnh mang lại niềm vui và hạnh phúc khi đem đến trải nghiệm mua sắm mà vẫn tôn trọng các giá trị, trách nhiệm với cộng đồng”, người khởi xướng hoạt động này chia sẻ.

Theo chị Sonia, sự ra đời của thời trang nhanh đã dấy lên xu hướng tiêu dùng lãng phí, đặc biệt là phụ nữ. Quần áo, đầm váy với nhiều kiểu dáng, chất liệu, màu sắc chất đầy tủ, thậm chí có những thứ chưa dùng đến 1 lần kể từ khi mua. Những xu hướng, thiết kế mới ra mắt liên tục, thúc đẩy ham muốn sở hữu của mỗi người.

Saigon Swap tổ chức các buổi trao đổi đồ cũ nhằm thoả mãn nhu cầu thay đổi tủ quần áo của mỗi người và tạo ra cuộc đời mới cho những đồ dùng đã bị bỏ xó. “Cũ người, mới ta” trở thành quan điểm của những người tham gia sự kiện.

Mỗi cá nhân mang đến số lượng đồ cũ mà mình muốn đổi. Quần áo được kiểm tra chất lượng và chuyển vào kho sau khi xác nhận. Phí tham dự là 150.000 đồng. Mỗi người sẽ lựa chọn những món đồ mới bằng số lượng đồ họ đem tới. Quần áo không sử dụng hết sẽ sử dụng cho mục đích từ thiện.

Đồ cũ được người tham gia đem tới, kiểm tra chất lượng và treo lên giá. Mỗi người sẽ chọn số lượng đồ mới bằng số mình đem tới

NVCC

Chị Đặng Thị Huyền Trang (31 tuổi) cảm thấy thú vị và hào hứng khi tham gia sự kiện lần này. “Tôi đã từng đến nhiều cửa hàng đồ cũ và quy trình, cách thức ở đó khiến tôi cảm thấy không hợp lý. Với cách làm của Saigon Swap, tôi cảm thấy công bằng. Thứ nhất, tôi có thể đổi lấy những món đồ mới mà không mất thêm chi phí và số đồ cũ đến được với những người cần”.

“Thứ 2, khoản phí tham gia sự kiện khiến tôi chăm chút, cẩn thận hơn trong việc chuẩn bị đồ cũ khi mang đến. Ban tổ chức làm việc bài bản và hợp lý. Không gian sự kiện thoải mái, vui vẻ và không chỉ đơn giản là trao đổi quần áo. Tôi có cơ hội giao lưu, trò chuyện với nhiều người khác, dù trước đây không hề biết họ”, chị Trang chia sẻ.

Sự kiện trao đổi kéo dài 2-3 tiếng

NVCC

Mở rộng hoạt động

Saigon Swap tổ chức 2 buổi trao đổi cho người lớn và 1 buổi cho trẻ em mỗi tháng. Mỗi sự kiện thu hút khoảng 100 người tham dự đến từ nhiều nơi trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Sản phẩm chủ yếu là đồ cho phái nữ còn đồ cho trẻ em thì được tổ chức riêng. Tuy nhiên, điểm hạn chế của hoạt động này là quần áo chủ yếu của người nước ngoài nên kích thước lớn hơn so với người Việt.

Chị Phạm Thị Thanh Huyền (45 tuổi) - thành viên của Saigon Swap cho biết: “Khi nghe ý tưởng của Sonia, tôi thấy nó rất hay và hữu ích. Việc trao đổi quần áo này vừa tránh lãng phí, vừa bảo vệ môi trường. Ban đầu, nó chỉ là hoạt động của cộng đồng người nước ngoài ở Thảo Điền. Nhưng, chúng tôi muốn quảng bá đến người Việt Nam”.

Người tham gia chủ yếu là người nước ngoài

NVCC

Trong thời gian tới, chị Sonia hy vọng tổ chức hoạt động này ở nhiều nơi khác trong thành phố để nâng cao nhận thức về việc mua sắm có trách nhiệm. “Chúng tôi dự định nâng cao chất lượng dịch vụ như phòng thay đồ, kéo dài thời gian trao đổi hơn, định giá chính xác hơn cho từng mặt hàng và sản phẩm để hoạt động này đem lại lợi nhuận. Cuối cùng, khi có lợi nhuận, một phần đáng kể sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện và các tổ chức tập trung vào môi trường”, chị Sonia bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.