Tìm về nhà ông Mai Văn Quýt (78 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi), người lưu giữ cách làm bờ xe nước, bên dòng sông Trà, chúng tôi bắt gặp ông đang miệt mài vót tre để phục dựng mô hình này.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Quýt cho biết ông là đời thứ ba kế tục nghề làm bờ xe nước. Từ năm 18 tuổi, ông đã theo cha vót tre, chẻ nan học làm bánh xe nước, cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in những tháng ngày cùng cha đưa nước từ sông Trà về đồng ruộng để phục vụ tưới tiêu cho người dân. Thời ấy, cha ông là một "trùm" điều khiển bờ xe nước có tiếng ở địa phương.
Gắn liền với tuổi thơ
Ông Quýt kể: Lúc trước ông nội của ông cũng là một ông "trùm" chuyên điều khiển, vận hành bờ xe nước, đến đời cha ông cũng theo chân ông nội. Khi đến đời ông, mới làm được vài năm thì Nhà nước đã đầu tư công trình thủy lợi Thạch Nham đưa nước về tưới tiêu các cánh đồng dọc sông Trà nên ông nghỉ.
Tuổi thơ ông gắn liền với bờ xe nước, nó ăn sâu vào trong máu thịt của ông. Nên cho dù hiện bờ xe nước không còn được sử dụng phục vụ đưa nước về ruộng nữa, ông vẫn miệt mài làm các mô hình nhỏ để trưng bày hoặc bán lại cho các quán cà phê, nhà hàng, khu du lịch... Hiện rất nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên đã đặt hàng, mua bờ xe nước của ông làm đem về trưng bày.
Theo ông Quýt, để không bị phai nhòa về hình ảnh, ký ức về một bờ xe nước là biểu tượng của người Quảng Ngãi, ông đã tự phục dựng làm các mô hình bờ xe thu nhỏ, có đường kính từ 2 đến 4 m. Mỗi bờ xe mô hình có từ 2 đến 4 bánh xe, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Về nguyên lý, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống y hệt bờ xe ngoài thực tế, nên người làm bờ xe nước phải chế tác sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể lấy nước và quay đều.
Hiện ông Quýt đang làm một mô hình bờ xe nước có 9 bánh xe, với đường kính 2 m và đến nay ông đã hoàn thành được 3 bánh xe. Sau khi hoàn thành, nếu ai thích sở hữu mô hình trên ông sẽ nhượng lại với giá khoảng 90 triệu đồng, còn không ông sẽ lưu giữ làm kỷ niệm cho mai sau.
Biểu tượng của người Quảng Ngãi
"Việc xây dựng bờ xe nước nguyên liệu chính là tre. Trước kia phần lớn bờ xe được buộc bằng dây lạt, dây mây, còn nay làm mô hình thì làm bằng dây cước buộc các chi tiết của bánh xe lại với nhau để tăng tuổi thọ sản phẩm. Cái khó nhất trong làm bờ xe nước là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe. Mỗi bờ xe như thế có khoảng 10 - 12 bánh xe, mỗi bánh có đường kính khoảng 10 m. Xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước về đồng", ông Quýt chia sẻ.
Bờ xe nước sông Trà từng được coi là biểu tượng của Quảng Ngãi trong những năm giữa thế kỷ 18. Công trình không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp mà còn đi vào thơ ca, nhạc họa bởi tính mỹ thuật, chứa đựng triết lý thuận theo quy luật tự nhiên… Theo thời gian, bờ xe nước đã dần bị xóa bỏ, đang rơi vào quên lãng.
"Cái độc đáo nhất của bờ xe là người thợ phải đặt ống tre làm sao để khi bánh xe tiếp xúc với nước, các ống tre lấy được nước lên. Cứ như thế, lực nước chảy sẽ đẩy bánh xe quay đều theo năm tháng, không cần tốn sức lực vận hành gì. Dù không tốn nhân công vận hành nhưng việc xây dựng bờ xe đòi hỏi rất công phu. Mỗi bờ xe như thế phải tốn hàng ngàn cây tre và mất ít nhất 1 tháng xây dựng ròng rã", ông cho biết thêm.
Theo ông Lê Hồng Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi, ông Mai Văn Quýt là một trong những người cuối cùng ở tỉnh này còn lưu giữ được kỹ thuật, cách làm truyền thống về bờ xe nước.
"Bờ xe nước sông Trà là biểu tượng về hình ảnh con người Quảng Ngãi cần cù, sáng tạo, chịu đựng mưa nắng để mang lại lợi ích cho đời", ông Khánh nói.
Bình luận (0)