Ông Thanh kể, ông đến với công việc quản trang như một cơ duyên. Năm 1992, ông thuộc đội thợ hồ tu sửa nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) H.Long Mỹ (Hậu Giang). Thấy các phần mộ liệt sĩ ít được trông coi, cỏ dại mọc đầy nên ngoài giờ làm, ông tranh thủ quét dọn, nhổ cỏ, tìm hoa mười giờ về trồng.
“Lúc đó, nhìn các phần mộ liệt sĩ không được chăm sóc cẩn thận, lòng tôi cảm giác không yên. Chắc do tôi có 2 người cậu cũng là liệt sĩ, cha tôi từng tham gia 2 cuộc kháng chiến và bà ngoại là mẹ VN anh hùng. Ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy về lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì đất nước”, ông Thanh nói.
Năm 1995, việc trùng tu nghĩa trang hoàn thành, lãnh đạo huyện gợi ý ông ở lại làm quản trang và ông bắt đầu công việc từ ngày đó. Năm 2012, NTLS H.Long Mỹ dời về NTLS tỉnh Hậu Giang, ông Thanh tham gia bốc mộ, đưa hơn 2.000 ngôi mộ về nghĩa trang mới.
tin liên quan
Nhà xuống cấp nhưng vẫn dồn tiền xây nghĩa trang cho... người dưngHơn 20 năm làm quản trang, điều khiến ông Thanh luôn trăn trở là vẫn còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ vô danh chưa xác định được họ tên, quê quán nên không tìm được người thân. NTLS tỉnh Hậu Giang hiện có gần 3.600 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó hơn 1.600 mộ là liệt sĩ vô danh.
“Cậu tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, nằm lại chiến trường miền Đông đã hơn 40 năm. Tôi từng đi khắp các nghĩa trang ở Tây Ninh, Đồng Nai nhưng không tìm thấy mộ. Cậu tôi chắc đã trở thành liệt sĩ vô danh như những liệt sĩ nằm lại nghĩa trang này. Tôi hiểu tâm trạng mong ngóng người thân của các gia đình liệt sĩ nên luôn cố gắng hỗ trợ hết mình để các bia mộ vô danh có ngày được đề tên”, ông Thanh chia sẻ.
Hằng năm, ông Thanh tiếp vài chục lượt thân nhân, chủ yếu từ miền Bắc, miền Trung đến tìm mộ người thân. Hồi còn ở NTLS H.Long Mỹ, ông có thể nhớ hầu hết tên liệt sĩ, vị trí mộ nằm ở khu, dãy nào. Ông kể năm 1997 có gia đình từ ngoài bắc vào tìm mộ liệt sĩ. Khi nghe tên, ông đã chỉ chính xác vị trí ngôi mộ liệt sĩ đó. Ban đầu gia đình không tin, tới khi ông dẫn đến tận mộ thì vui mừng khôn xiết.
Với ông Thanh, nghề quản trang như một cái nghiệp. Niềm vui của nghề này đơn giản là thấy các phần mộ được nhang khói ấm cúng, khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, cây kiểng cắt tỉa gọn gàng. “Mấy chục năm làm quản trang, tôi không nhớ mình đã hỗ trợ bao nhiêu gia đình tìm được mộ liệt sĩ.
Tuy nhiên, mỗi lần chứng kiến cuộc “đoàn tụ” của thân nhân và liệt sĩ, tôi không khỏi xúc động. Những con người chiến đấu, hy sinh tuổi thanh xuân cho dân tộc cuối cùng đã được sum họp với gia đình”, ông Thanh tâm sự.
Với đồng lương khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng, ông Thanh hiện phải tằn tiện cùng người vợ (nghỉ việc ở nhà) chăm sóc, chữa bệnh cho mẹ già đang bị tai biến. Dù khó khăn là vậy, nhưng ông cho biết chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ công việc đã chọn.
Bình luận (0)