Hàng ngàn người Rohingya ở Myanmar đang phải rời bỏ nhà cửa và lánh nạn sang Bangladesh bằng những chiếc xuồng đầy nguy hiểm, sau khi bị các tay súng nổi dậy tấn công. Cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi này lại tháo chạy, 7 năm sau cuộc khủng hoảng khiến hàng trăm ngàn người phải tị nạn ở nước láng giềng.
Đánh bom, pháo kích
Theo tờ The Guardian, nhóm nổi dậy Arakan Army (AA) đã giành quyền kiểm soát phần lớn bang Rakhine từ tay quân đội Myanmar, khiến cộng đồng người Rohingya thiểu số rơi vào khu vực của họ. AA nã pháo vào làng, buộc họ phải rời bỏ nhà cửa và gom đàn ông trong làng vào một khu vực tập trung. Ông Abdus Sukkur từng sống tại thị trấn Maungdaw ở Rakhine đã trốn chạy sang Bangladesh hồi giữa tháng 8, sau khi các con ông thiệt mạng trong một vụ tấn công. "AA dùng máy bay không người lái (UAV) đánh bom nên chúng tôi phải chạy khỏi nhà và sang Bangladesh. Tôi thậm chí không kịp cầu nguyện tang lễ cho con trai vì chúng tôi phải chạy trốn thật nhanh", ông kể.
Một quan chức LHQ ẩn danh cho biết chưa thể xác minh được con số chính xác, nhưng hàng ngàn người Rohingya đã rời khỏi các thị trấn Maungdaw và Buthidaung trong những tuần gần đây. Vị quan chức cho biết đợt tấn công phối hợp diễn ra hôm 5.8, khi các tay súng AA buộc người dân một số ngôi làng tập trung tại bờ sông và dùng UAV chở chất nổ tấn công.
"Đây không phải là chuyện người Rohingya bị mắc kẹt giữa AA và quân đội. Lần này thì khác, đây là việc AA nhằm vào người Rohingya vì quân đội đã hoàn toàn bị đẩy khỏi khu vực", theo quan chức trên. Quan chức này cho biết các bên trung gian quốc tế đang nỗ lực liên lạc với AA.
Trung Quốc lo củng cố bố phòng biên giới vì giao tranh ở Myanmar
Những thi thể trôi sông
Các nhà hoạt động vì quyền lợi của người Rohingya tại trại tị nạn Nayapara ở Bangladesh cho biết hôm 20.8 họ đã tìm thấy 3 thi thể trôi dạt vào bờ sông Naf bên phía Bangladesh, bên cạnh hàng chục thi thể khác trong những tuần gần đây. Nhiều dân làng chạy đến các con sông gần đó với hy vọng trốn thoát bằng xuồng đến thủ phủ Sittwe của Rakhine hoặc qua biên giới đến Bangladesh. Phía Bangladesh đã buộc nhiều xuồng quay lại, nhưng lực lượng an ninh Bangladesh đang quá tải sau nhiều tuần bất ổn xung quanh việc cựu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Người đứng đầu chính phủ lâm thời mới là ông Muhammad Yunus cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ người tị nạn.
"Chúng ta cần những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng quốc tế cho các hoạt động nhân đạo dành cho người Rohingya và việc hồi hương của họ về Myanmar với sự an toàn, phẩm giá và đầy đủ quyền lợi", ông kêu gọi.
Theo LHQ, người Rohingya đã trốn chạy khỏi nhiều đợt xung đột và bạo lực ở Myanmar. Làn sóng lớn nhất diễn ra vào tháng 8.2017, khi 742.000 người lánh nạn sang Bangladesh để tránh cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và các tay súng nổi dậy. Họ tập trung cùng khoảng 300.000 người trước đó đã tị nạn ở Bangladesh, hầu hết ở tại Cox's Bazar, nơi hiện là khu tị nạn lớn nhất thế giới, và lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo. Ước tính còn khoảng 500.000 người Rohingya vẫn đang ở Myanmar và nhiều người lo ngại rằng làn sóng bạo lực mới nhất sẽ khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.
Biệt thự của bà Suu Kyi bán đấu giá không xong
Ngôi biệt thự của cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi lại vừa được bán đấu giá theo lệnh của tòa án nhưng không có người mua, dường như do giá tòa án đưa ra hôm 15.8 ở mức 142 triệu USD vẫn quá cao. Theo ABC News, giá này đã được giảm từ mức 150 triệu USD trong phiên đấu giá hồi tháng 3.
Ngôi biệt thự nằm bên hồ Inye ở thành phố Yangon, là nơi bà từng bị quản thúc 15 năm và là nơi từng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ngôi biệt thự bị vướng vào cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu, khi người anh trai Aung San Oo (81 tuổi), một kỹ sư sống ở Mỹ, khởi kiện vào năm 2000. Tòa án sau đó phán quyết ngôi biệt thự sẽ được bán đấu giá để chia đều cho 2 anh em. Tuy nhiên, luật sư của bà Suu Kyi phản đối phán quyết. Bà Suu Kyi bị giam kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành chính biến để nắm quyền vào tháng 2.2021. Bà đang thụ án 27 năm tù giam về nhiều tội danh mà bà bác bỏ.
Bình luận (0)