Người Sài Gòn đón 'đông' sớm

06/12/2021 06:26 GMT+7

Mới đầu tháng 12 nhưng người Sài Gòn đã đón “đông” về. Trời có nắng nhưng nhiệt độ xuống thấp, se lạnh.

Hôm qua (5.12), nhiệt độ xuống tới 190C nhưng theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, ngày đạt đỉnh có thể giảm sâu xuống 170C và “mùa đông” ở TP.HCM kéo dài hơn mọi năm.

Bạn trẻ Sài Gòn xuống phố dịp cuối tuần trong tiết trời se lạnh

Dạ Thảo

Mùa đẹp nhất trong năm

Năm nào cũng vậy, cứ tới gần những ngày cuối năm là người Sài Gòn lại được tận hưởng không khí se lạnh, thời tiết mát mẻ như mùa thu Hà Nội. Từ ngày 2.12, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ thông tin không khí lạnh bắt đầu tràn về với các tỉnh phía nam. Thời tiết tại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ gần như không có mưa, trời nắng nhưng nhiệt độ xuống thấp, sáng sớm có nơi xuất hiện sương mù nhẹ. Trong sáng 2.12, mức nhiệt thấp nhất ở Nam bộ chỉ còn 180C, trời mù mịt.

Tới ngày 4.12, nhiệt độ tiếp tục giảm 1 - 2 độ, xuống thấp nhất từ đầu năm. Mức nhiệt thấp nhất xuất hiện vào đêm đến rạng sáng tại khu vực miền Đông Nam bộ từ 19 - 220C, phía bắc miền Đông có nơi dưới 190C. Tại miền Tây, đây là thời điểm hiếm hoi trong năm nhiệt độ thấp nhất đạt 20 - 230C, có nơi dưới 200C. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết nhiệt độ tại TP.HCM lúc 7 giờ sáng 4.12 là 220C, thời điểm sáng sớm nhiệt độ còn thấp hơn.

Nhiệt độ thấp nhất sẽ rơi vào khoảng từ Noel đến Tết dương lịch, ngày đạt đỉnh có thể giảm sâu xuống 170C

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan

Sáng qua (5.12), mặc dù từ 6 giờ mặt trời đã lên, nắng sớm nhưng thời tiết còn lạnh hơn ngày 4.12. Nhiệt độ đo được vào sáng sớm tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là 190C. Tới khoảng 12 giờ, trời kéo mây, nhiệt độ ghi nhận được tại TP.HCM theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là 300C nhưng thời tiết vẫn se lạnh, ngồi trong phòng không cần bật quạt. Với mức nhiệt này, TP.HCM ghi nhận ngày lạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Trong những ngày qua, vào sáng sớm và tối, rất nhiều người dân TP.HCM ra đường phải mặc áo khoác, choàng khăn. Nhiệt độ thấp kèm theo gió nhẹ cảm thấy như “mùa đông” đang về. Nhiều người nói với nhau, không cần đi Đà Lạt hay Hà Nội mà ở TP.HCM cũng được thưởng thức cảm giác se lạnh này. Đây được coi là mùa đẹp nhất trong năm của TP.HCM.

Vẫn chưa chạm đỉnh lạnh

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng nhiệt độ xuống thấp những ngày qua là do áp cao lạnh lục địa tăng cường xuống phía nam. Gió đông bắc hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh trên khu vực biển Nam bộ. Áp cao lạnh lục địa còn tiếp tục khuếch tán xuống phía nam khiến tiết trời chuyển se lạnh.

Thông thường, thời gian lạnh nhất tại TP.HCM sẽ rơi vào khoảng từ lễ Giáng sinh tới Tết dương lịch, tức khoảng cuối tháng 12. Tuy nhiên năm nay, mới đầu tháng 12 mà nhiệt độ đã xuống thấp kéo dài.

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan lý giải, năm nay mùa đông đến sớm, không phải chỉ riêng VN mà các nước châu Âu cũng vậy. Miền Bắc đón những đợt không khí lạnh sớm tới gần 1 tháng, kéo theo không khí lạnh ảnh hưởng tới miền Nam sớm hơn. Nguyên nhân, năm nay hiện tượng La Nina - pha đối lập của El Nino - xuất hiện sớm, đem đến áp cao từ những vùng Bắc cực. Bắt đầu từ tháng 10, nhiều đợt không khí lạnh đã về tới VN nhưng rời rạc, chưa ảnh hưởng tới khu vực miền Nam, trong đó có TP.HCM. Sau nhiều đợt về dồn dập, cường độ mạnh, đợt sau đẩy đợt trước, áp cao đã vượt quãng đường dài tác động tới thời tiết khu vực miền Nam, đẩy nhiệt độ giảm. Không khí lạnh sẽ còn tiếp tục kéo dài trong khoảng 1 - 2 ngày tới, sau đó sẽ ấm dần lên. Song nhiệt độ sẽ tăng không nhiều, không lâu, rồi sẽ tiếp tục có thêm những đợt lạnh nối tiếp.

Nam bộ đang bước vào những ngày trời se lạnh, thời tiết đẹp. Đơn cử ngày 2.12, nhiệt độ tại Tà Lài là 180C, Long Khánh (Đồng Nai) 19,70C, Phước Long và Đồng Phú (Bình Phước) 200C, Nhà Bè (TP.HCM) 22,40C...

“Đây mới chỉ là dấu hiệu cho thấy “mùa đông” năm nay của TP.HCM kéo dài hơn và nhiệt độ sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Nhiệt độ thấp nhất sẽ rơi vào khoảng từ Noel đến Tết dương lịch, ngày đạt đỉnh có thể giảm sâu xuống 170C. Mức nhiệt 190C hay 170C đối với miền Nam là khá lạnh nhưng chưa phải dấu hiệu cực đoan. Năm 1999, nhiệt độ tại TP.HCM xuống tới dưới 150C và trước đó từng chạm mốc 13,60C năm 1975. Đây là 2 năm La Nina có cường độ rất mạnh. La Nina năm nay không mạnh bằng nên dù tới sớm nhưng “mùa đông” 2021 của TP.HCM vẫn chưa thể phá kỷ lục trước đó”, bà Lan phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.