Người Sài Gòn hào hiệp với phiên chợ Tết đồng giá 2.000 đồng

30/01/2018 09:02 GMT+7

Quán cơm xã hội Nụ cười 3 (Q.7, TP.HCM) vừa tổ chức phiên chợ tết đồng giá 2.000 đồng/món để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có một cái tết ấm no hơn. Phiên chợ chỉ diễn ra một buổi duy nhất.

Nhắc tới người Sài Gòn, người ta nghĩ ngay đến tấm lòng hào hiệp, sự hào sảng, thân thiện và cưu mang giúp đỡ lẫn nhau bất kể quê quán. Sài Gòn dễ sống, người Sài Gòn dễ thương và bao dung. Nhiều người từ Bắc chí Nam, đến cả miền Tây cũng chọn Sài Gòn làm nơi mưu sinh có lẽ một phần cũng vì tình người ở đây.
VIDEO: Phiên chợ tết 2.000 đồng duy nhất ở Sài Gòn - Thực hiện: Vũ Phượng
Ở Sài Gòn không khó để bắt gặp trà đá miễn phí, sửa xe miễn phí, quần áo miễn phí, quan tài miễn phí, thậm chí sữa mẹ cũng miễn phí. Còn nơi nào mà rộng lượng hơn mảnh đất Sài Gòn này…

Đặc biệt cứ mỗi dịp cuối năm, chúng ta lại càng dễ bắt gặp sự hào sảng này ở rất nhiều con phố. Những hành động đẹp đã chung tay giúp nhiều người có một cái tết ấm no và ấm lòng hơn bởi sự sẻ chia giàu tình nhân ái.
Phiên chợ tết đặc biệt hôm nay ở quán cơm Nụ cười 3 cũng vậy, có gần 20 mặt hàng từ nhu yếu phẩm cần thiết như: dầu ăn, nước tương, hạt nêm, bột ngọt, mì gói… đến quần áo, giày dép, đồ chơi,… tất cả đều đồng giá 2.000 đồng.
Chia sẻ
Ông Trần Trọng Thức, chủ nhiệm quán cơm Nụ cười 3 cho biết để tạo sự bất ngờ cho mọi người, thay vì bán cơm 2.000 đồng như mọi ngày, hôm nay quán tổ chức phiên chợ tết đồng giá 2.000 đồng mà không thông báo trước.
Gần 11 giờ, mọi người bắt đầu đến ăn trưa, ai cũng cầm sẵn trên tay 2.000 đồng nhưng rồi lại ngỡ ngàng. Sự hạnh phúc hiện rõ lên những khuôn mặt khắc khổ vì mưu sinh khi họ biết hôm nay đã có thể sắm tết chỉ với 2.000 đồng/món.
Trà, dầu ăn, bánh kẹo,... tất cả đều có giá 2.000 đồng Ảnh: Vũ Phượng
Theo lời ông Thức, đây là năm thứ 2 quán cơm tổ chức phiên chợ tết. Trước đó thì không làm phiên chợ mà chỉ tặng quà tết cho những người đến ăn cơm. “Các mặt hàng ở đây được những tấm lòng hảo tâm đóng góp. Thay vì cho tặng, chúng tôi bán với giá 2.000 đồng để mọi người chia sẻ với nhau và số tiền này sẽ được dùng để nấu cơm cho mọi người vào ngày hôm sau”, ông Thức chia sẻ.
Những món đồ chơi "cũ người mới ta" được các bé và những phụ huynh có con nhỏ rất thích, vì hình thù bắt mắt và giá thì quá rẻ Ảnh: Vũ Phượng
Tới khoảng 11 giờ 15, những người lao động nghèo đến đông nghẹt quán, ai cũng tất bật lựa cho mình những nhu yếu phẩm và cả quần áo, đồ chơi “cũ người mới ta”. Nhiều người mua xong tranh thủ ra đường tìm thêm những người cùng hoàn cảnh với mình để rủ vào phiên chợ. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại vậy mà cười tươi rói.
“Tết này bớt lo rồi!”
Ở phiên chợ đặc biệt này, do số lượng có hạn nên hai mặt hàng là quần áo, giày dép mọi người sẽ được mua nhiều món, nhưng với các nhu yếu phẩm khác và bánh kẹo, mỗi người chỉ được mua một món.
Với quần áo, giày dép mỗi người có thể mua nhiều món Ảnh: Vũ Phượng
Vậy nhưng ai cũng muốn mua thật nhiều, thật nhiều vì… rẻ quá nên sẽ đi 2 - 3 vòng để mua nhu yếu phẩm. Những tình nguyện viên bán hàng biết vậy nhưng cũng vui vẻ bán tiếp vì “họ khó khăn mà”.
Ông Hoàng Xuân Đông (67 tuổi, bán vé số) cũng xách 2 bịch đồ nặng trịch bước ra cửa mà vui như vừa đi hội về. Ông nói bằng giọng rặc Phú Yên: “Ngày nay tui tưởng đến ăn cơm như bình thường thôi mà mua được tùm lum đồ hết nè. Dầu ăn, mì gói, trà, bột ngọt, nước ngọt đủ cả,… Tết này bớt lo rồi”.
Dứt lời ông vội vàng chất đồ lên xe đạp rồi chạy đi mà không quên nói với lại: “Tui phải chạy nhanh về chỗ trọ kêu mấy người bán vé số ra mua nhanh kẻo hết”.
Nhưng với những mặt hàng nhu yếu phẩm, với từng mặt hàng mỗi người chỉ được mua 1 món do số lượng có hạn
Tới 11 giờ 45, phiên chợ vẫn còn rất đông người ở trong đang hối hả chọn những món đồ mình ưng ý. Một số người thì ra ngoài nhờ người thân giữ đồ để vô lựa tiếp.
Luồn lách qua tất cả các bàn bày bán hàng nhưng ông Lê Văn Tâm (62 tuổi, làm nghề chạy xe ôm) chỉ mua cho mình 2 gói bánh quế rồi tươi cười bước ra. Thấy lạ, tôi hỏi vì sao lại mua ít vậy thì ông đáp: “Mấy món kia bữa tôi mua sẵn ở nhà rồi nên giờ chỉ mua 2 gói bánh. Còn lại để cho những người khó khăn khác mua nữa. Tết mà…”.
Nghe câu trả lời của ông Tâm, tôi bỗng chốc thấy nghẹn ngào...
Phiên chợ tết này không chỉ đặc biệt ở mức giá 2.000 đồng mà đặc biệt ở sự chia sẻ. Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được chung tay để có một cái tết bớt lo hơn và ấm no hơn.
Tình nguyện viên có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị các gian hàng Ảnh: Vũ Phượng
Nhiều phụ huynh đứng lựa đồ đến toát mồ hôi nhưng vẫn muốn lựa nhiều thiệt nhiều để mang quà về cho con Ảnh: Vũ Phượng
Ông Hoàng Xuân Đông, quê Phú Yên, đang bán vé số ở TP.HCM rạng rỡ với nhiều món đồ vừa mua được Ảnh: Vũ Phượng
Nhiều người vừa mua được vài món đã vội chạy đi để kêu người quen lại mua nhanh vì sợ hết Ảnh: Vũ Phượng
Giày dép người lớn, trẻ em, đều đồng giá 2.000 đồng Ảnh: Vũ Phượng
Bé Nhi (6 tuổi) vừa được mẹ mua cho bịch bánh quế đã ngồi bóc ăn ngon lành ngay tại chỗ Ảnh: Vũ Phượng
Ông Lê Văn Tâm chỉ mua duy nhất 2 gói bánh vì "còn để phần cho những người khó khăn hơn..." Ảnh: Vũ Phượng
Một người bán vé số tranh thủ sắp xếp lại những món đồ tết mà mình vừa mua được ở phiên chợ Ảnh: Vũ Phượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.