Một nét đẹp của người Sài Gòn trong ngày lễ Vu lan - lễ báo hiếu cha mẹ là lên chùa cầu siêu cho hương linh người đã khuất và cầu an cho những người đang sống.
>> Rằm tháng 7 thương nhớ sương sâm
|
Đại lễ Vu lan của Phật giáo xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu làm theo lời Phật dạy đã cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Ngày lễ Vu lan cũng là ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân, nhiều người Sài Gòn đã lên chùa cầu nguyện cho các linh hồn siêu thoát, cầu an cho gia đình.
Trong ngày này nhiều chùa có phục vụ tiệc chay, chủ yếu là do các Phật tử tự nguyện đến cúng đường và nấu nướng cho khách thập phương đến chùa. Vừa cầu nguyện, vừa ăn chay để phát triển lòng từ tâm với muôn loài, bớt sát sinh là lối sống đẹp đang được nhân rộng ở Sài Gòn. Trong ngày rằm, người ta không chỉ ăn chay ở chùa mà còn ăn chay tại gia hoặc tại các quán chay đang mở ra ngày một nhiều.
Bên cạnh các hoạt động dâng hương và hoa, dự lễ cúng đường, cầu siêu, nhiều người còn tham dự lễ gắn hoa hồng cài áo, những ai còn mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ, ai đã mất mẹ sẽ được cài bông hồng trắng.
Chùm ảnh dưới đây ghi lại hình ảnh nhiều người Sài Gòn lên chùa cầu siêu và cầu an trong ngày Vu lan, đồng thời thưởng thức cơm chay tại Thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, P4, Q.Phú Nhuận).
|
Tại đây, các món chay do các Phật tử người Huế nấu nên cũng mang đậm phong cách Huế ở cách nêm nếm, bao gồm nhiều món hấp dẫn như xà lách đậu hũ, canh chua nấm rau muống, mắm thái chay, tàu hũ ky kho, bò kho bánh mì...
Dù khách thập phương trong phòng ăn rất đông nhưng không hề ồn ào khi thưởng thức món chay. Ăn xong, ai cũng tự dọn bát dĩa của mình gọn gàng. Một bữa tiệc chay rất nhẹ nhàng, sạch sẽ, ngon miệng và hấp dẫn đã được các đầu bếp tự nguyện cung kính nấu cho khách thập phương. Tại chùa cũng có quầy nước tắc với đường, đá mát lành, miễn phí cho tất cả mọi người.
|
Giang Vũ (thực hiện)
Bình luận (0)