(iHay) Bà Hoa (ngụ đường Đồng Đen, Tân Bình, TP.HCM) tâm sự: 'Gia đình có truyền thống nấu bánh chưng ngày Tết từ thời ông ngoại, qua đến đời mẹ rồi đến đời con. Cứ thế nối tiếp nhau mà nấu'.
23 giờ ngày 6.2 (28 tháng chạp), trên con đường Lê Văn Sĩ (quận 3, TP.HCM) cả gia đình anh Nguyễn Văn Tiến và chị Nguyễn Thị Hoàng Phương cùng hai người con hì hục chuẩn bị đồ đạc nấu bánh chưng cho Tết.
Phía bên trong anh Tiến cùng cô con gái nhỏ gói bánh. Anh phụ trách những phần việc quan trọng nhất như: gói, cột để cho ra phần bánh ngon và đẹp mắt nhất. Cô con gái nhỏ Thảo Nghi, mới học lớp 7 nhưng tay chân thì khéo léo lắm. Nghi phục trách việc lau rửa lá dong, cắt lá sao cho gọn gàng rồi để cho ba Tiến đóng gói.
Trước cửa nhà, chị Phương cùng Khải Nguyên, đứa con trai lớn của mình chọn chỗ thích hợp chuẩn bị nấu mẻ bánh đầu tiên. Nguyên thì cũng không thua gì em mình, luôn phụ giúp mẹ một tay gom củi, đun nước để nấu bánh.
Cứ như thế cả gia đình cùng quây quần bên nhau nấu bánh chưng từ suốt đêm cho đến sáng.
Chị Hoàng Phương cho biết, mỗi năm Tết đến gia đình và những người hàng xóm đều nấu bánh chưng rất vui. Nhưng càng về sau chỉ còn nhà chị là vẫn giữ được thói quen này. Tính ra, nhà chị nấu bánh cũng kéo dài được 30 năm, từ thời cha chồng chị và nay đến đời con vẫn duy trì.
Anh Tiến ngồi cạnh góp lời: “Năm nào cũng nấu cho vui , không làm thì không ra cái Tết. Một phần thì làm cho con cái hiểu cái Tết như thế nào, phải biết truyền thống gia đình như thế nào. Chứ mua bánh về ăn thì nói gì nữa, đâu còn ý nghĩa gì là Tết đâu”.
Gia đình nhỏ của anh Tiến cùng nhau làm bánh, nấu bánh cũng đã hơn 30 năm nay
|
Cô con gái nhỏ của anh Tiến phụ giúp cha mẹ cắt tỉa lá dong
|
Những chiếc bánh đã gói xong, chuẩn bị mang đi nấu
|
Chị Hoàng Phương cho biết, chiếc nồi nấu bánh cũng đã gắn bó cùng gia đình chị suốt 30 năm qua
|
Trên đường CMT8 người dân cũng hì hục nấu bánh chưng
|
Chúng tôi ghé nhà anh Tín ở đường Nguyễn Quang Bích, gia đình bà Dương Thị Hoa ở đường Đồng Đen, chị em Lệ - Hiếu ở đường Ca Văn Thỉnh (quận Tân Bình, TP.HCM), cùng mọi người thức trắng đêm “canh” nồi bánh chưng, bánh tét Tết.
1 giờ ngày 7.2 (29 tháng chạp), cả gia đình bà Dương Thị Hoa ngồi quay quần bên nồi bánh chưng trước nhà. Một bên lửa nghi ngút, một bên đám trẻ vừa cụng vài ly vừa “canh” bánh. Bà Hoa cũng ngồi gần đó, mắt cứ trông vào nồi bánh. Hễ nước cạn, củi hết bà lại lụi cụi đến “châm” vào nồi. Mỗi công đoạn bà đều theo dõi suýt sao, không lúc nào rời mắt. Cứ thế cả nhà ngồi đến khi nào bánh chín, mang vào nhà mới chịu đi ngủ.
Bà Hoa tâm sự: “Gia đình có truyền thống nấu bánh chưng ngày Tết từ thời ông ngoại, qua đến đời mẹ rồi đến đời con. Cứ thế nối tiếp nhau mà nấu. Năm nào cũng vậy cứ đến trước giao thừa một ngày là cả nhà cùng nhau gói bánh, nấu bánh. Xong cúng ông bà tổ tiên ngày giao thừa luôn, vui lắm”.
Cách nhà bà Hoa khoảng 500 mét là nhà của chị em Lệ - Hiếu (quê Quảng Ngãi) cũng mang nồi, làm lò nấu bánh tét trước nhà. Nồi bánh của hai chị em hơi nhỏ, nên nấu ít, nhưng thời gian kéo dài cũng quá nửa đêm. Chị lệ nói, năm nay là lần đầu tiên nấu bánh. Chị nấu cho có không khí ngày Tết. Chưa có kinh nghiệm nấu nhiều, chỉ nhớ lại cách mẹ mình đã từng nấu, quên chỗ nào chị gọi điện hỏi mẹ chỗ đó.
Cứ như vậy, dù cho thành phố ngày càng hiện đại nhưng hương vị, không khí truyền thống đặc trưng về Tết của người dân Sài Gòn vẫn có một nét gì đó rất riêng.
Những chiếc bánh thành phẩm
|
Chị em Lệ - Hiếu lần đầu nấu bánh tét cho Tết này, vừa làm vừa gọi mẹ ở quê nhờ chỉ từng chút
|
Nửa đêm, anh Tín ở đường Nguyễn Quang Bích một mình ngồi "canh" nồi bánh của mình
|
Gia đình bà Hoa vẫn giữ lệ quây quần bên nồi bánh Tết suốt 30 năm qua
|
Phạm Hữu - Độc Lập
Ảnh: Độc Lập
>> Hoa hậu Kỳ Duyên 'xuống tóc' để mong năm mới may mắn hơn
>> Chí Tài, Thúy Nga trải lòng về ngày đưa ông Táo về trời
>> Thơm lừng bánh chưng rán giữa trời đông Hà Nội
Bình luận (0)