Khi mốt chơi xăm mình đang nở rộ thì các tiệm xăm đua nhau mọc lên, từ những hệ thống tiệm xăm nổi đình nổi đám đến các tay xăm dạo với độc chiêu “xăm tận nhà” hoạt động 24/24 giờ.
>>Kỳ 1: “Hội chứng” tattoo
Chỉ tính riêng xung quanh khu phố Tây đã có gần 20 tiệm xăm mình, riêng đường Đề Thám chưa đầy 1km nhưng có đến năm tiệm xăm sáng đèn suốt ngày đêm. Tại các quận như 8, 10, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh... đều có tiệm tattoo (xăm mình) hoạt động.
|
Phố xăm mình
Chỉ cần qua vài con đường như Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, Đề Thám... thuộc trung tâm Q.1, những nơi được mệnh danh là “phố xăm mình” của TP.HCM, có thể thấy được sự hoạt động nhộn nhịp của hàng chục tiệm tattoo. Hai tiệm xăm đang nổi đình nổi đám tại TP.HCM hiện nay là Saigon Ink và Saigon Tattoo. Cả hai chủ tiệm đều là dân xăm mình chuyên nghiệp có tên tuổi trong làng xăm VN, mỗi ông chủ nắm trong tay cả hệ thống tiệm xăm từ 3-5 cơ sở.
Truyền nghề
Ở những tiệm xăm mình có uy tín đều mở những lớp dạy xăm mình do các nghệ nhân trong tiệm dạy và soạn giáo trình. Tại lớp học xăm của tiệm Saigon Tattoo II (128 Nguyễn Văn Cừ, Q.1) có tám bạn trẻ đang theo học khóa căn bản với giá 8 triệu đồng/khóa. Trong số tám bạn đang theo học có năm nữ và ba nam, chủ yếu đều là dân từ các tỉnh đến. Có người đến học với một niềm đam mê nghệ thuật, cũng có người mong học được cái nghề để về quê lập nghiệp. |
Cuối tháng 10 vừa rồi, gần chục thợ xăm trong hệ thống Saigon Ink của anh Nguyễn Đăng Thiên gói ghém hành trang bay sang Thái Lan tham dự lễ hội xăm mình tại đây. Một số tiệm xăm khác như Tâm Bi, Tery Do... cũng qua Pháp, Thái Lan, Singapore tu nghiệp xăm mình hằng năm. Ở ngoài đời thế giới xăm nhộn nhịp cỡ nào thì trên các diễn đàn, blog, Facebook của các tiệm xăm mình nhộn nhịp bấy nhiêu.
Ngoài những tiệm xăm mình tên tuổi còn có những thợ xăm chuyên hành nghề xăm dạo, xăm tại gia. Theo những chỉ dẫn của một số diễn đàn xăm mình trên mạng Internet, chúng tôi liên hệ được với một thanh niên tên Châu chuyên hành nghề xăm dạo tại quận Thủ Đức. Với một máy xăm, vài lọ mực và đồ sát trùng, Châu đã thực hiện hàng trăm tác phẩm xăm dạo cho khách. Châu cho biết tùy độ xa gần của khách mà tiền chênh lệch so với xăm tại tiệm sẽ cao hơn 200.000-300.000 đồng.
Trong khi đó, một sinh viên năm cuối Trường đại học Kiến trúc có biệt danh là Bo chuyên xăm cho khách tại phòng trọ riêng trên đường Bùi Thị Xuân (P.1, Q.Phú Nhuận). Phòng trọ của Bo rộng khoảng 14m2, góc xăm được bày một chiếc ghế với máy xăm và giá để mực, trên tường treo chi chít hình xăm mẫu. Còn địa điểm xăm của Nguyễn Tiến Thịnh (biệt danh Cường “em”) là một căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Khi chúng tôi đến, một đệ tử của Cường có bí danh Phê “nặng” đang xăm cho hai cô gái. Phê “nặng” cho biết phòng xăm vừa là nơi xăm mình cho khách vừa là nơi để nhóm nhạc của anh tập trống.
Vượt qua định kiến
Nữ nghệ nhân xăm mình
Vừa tốt nghiệp khoa mỹ thuật công nghiệp Trường đại học Hồng Bàng, Dương Đặng Hà My từ bỏ ngay giấc mơ trở thành một chuyên viên đồ họa khi tình cờ ghé vào một tiệm xăm trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận. Tuy nhiên, con đường đi của các nữ nghệ nhân xăm mình nhiều gian nan hơn giới mày râu. Yu Mi - nghệ nhân 26 tuổi, làm tại tiệm xăm 128 Nguyễn Văn Cừ (Q.1) - cho biết để đeo đuổi đam mê trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp trong giới xăm mình, cô đã phải đánh đổi nhiều thứ, từ mất mát tình yêu riêng tư đến tình cảm gia đình. Cô kể từ khi bước vào nghề xăm đã phải mất nhiều năm để thuyết phục bố mẹ tin rằng: “Nhân cách làm nên con người chứ không phải là hình xăm”. |
Nguyễn Đăng Thiên, người từng xăm cho rất nhiều người trong làng showbiz VN, là một nghệ sĩ như thế. Tất cả bốn tiệm xăm của anh em Đăng Thiên đều có một bộ phận tư vấn cho khách hàng. Tại đây, những khách dưới 18 tuổi bị từ chối, những khách xăm hình “hầm hố” ở những chỗ dễ nhìn sẽ được tư vấn rất kỹ. “Tôi thấy họ hành nghề không phải vì lợi nhuận mà vì lòng đam mê. Đi xăm ở đây nhiều lần, tôi thấy họ sẵn sàng từ chối những khách hàng yêu cầu xăm những hình có thể để lại hối hận cho bản thân” - anh Nguyễn Mạnh Cường, một khách xăm, nhận xét về tiệm xăm của Đăng Thiên.
Rời Trường cao đẳng Mỹ thuật năm 1999, có gần mười năm tìm hiểu và gắn bó với nghệ thuật xăm, Đăng Thiên nói: “Tôi luôn ấp ủ mong muốn xăm mình sẽ được xã hội công nhận là một môn nghệ thuật, những người hoạt động xăm mình cũng là những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật thực thụ”.
Nghệ nhân Hoàng “Mosskow”, từng là một người kinh doanh tin học điện tử tại Q.10, đã rời bỏ tất cả những gì đang có để đeo đuổi nghệ thuật xăm mình. Đối với anh, những nét vẽ trên cơ thể sống là một đam mê. Hoàng đam mê không chỉ là cầm máy thể hiện những tác phẩm trên cơ thể người khác mà cả trên cơ thể của mình, khắp cơ thể anh là hàng loạt tác phẩm xăm trổ. Anh cho biết: “Năm 2010, làng tattoo ở TP.HCM đã họp lại để thành lập hiệp hội xăm, nhưng do một số bất đồng trong quan điểm nên hiệp hội vẫn chưa ra đời”.
Mỗi nghệ nhân đều chọn cho mình một thể loại trong xăm mình để khẳng định tên tuổi, mỗi nghệ nhân cũng có một nguyên tắc nghề nghiệp riêng. Tại tiệm xăm 266 Bùi Viện, Q.1, nghệ sĩ Tery Do - Việt kiều Pháp lớn lên từ nhỏ trong tiệm xăm mình của bố ở Pháp - luôn ý thức về an toàn vệ sinh trong xăm mình. Khách hàng của ông cho biết mỗi hình xăm cho khách đều do ông tự thiết kế, mỗi hình chỉ xăm duy nhất cho một người. “Hình xăm đi suốt cuộc đời mỗi con người, bản thân ta chỉ có một nên hình xăm là duy nhất” - ông Tery Do nói.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)