Người sáng tạo & khơi nguồn sáng tạo

20/02/2015 02:00 GMT+7

(TN Xuân) Cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh được cả loài người tiến bộ tôn vinh là hành trình không mệt mỏi, sáng tạo không ngừng. Không những thế, Người còn khơi nguồn cho sáng tạo Việt Nam trong thời đại mới.

(TN Xuân) Cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh được cả loài người tiến bộ tôn vinh là hành trình không mệt mỏi, sáng tạo không ngừng. Không những thế, Người còn khơi nguồn cho sáng tạo Việt Nam trong thời đại mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt - Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt - Ảnh: Tư liệu
Sinh thời, Bộ trưởng Giao thông Phan Trọng Tuệ từng kể: Năm 1965, có một lần ông được chiếu cho Bác Hồ xem bộ phim về ngành giao thông vận tải chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trong phim có cảnh các chiến sĩ cho ca nô chạy qua bãi thủy lôi để kích nổ. Nhìn thấy các chiến sĩ ngồi trên ca nô mặc áo bảo vệ, Bác hỏi: “Mặc như thế kia thì cử động thế nào được?”. Sau khi nghe báo cáo: “Ca nô chạy qua, thủy lôi sẽ nổ, thủy thủ phải mặc như thế để đảm bảo an toàn”, Bác suy nghĩ một lát rồi nói: “Các chú đó thật dũng cảm. Nhưng chú thử nghĩ xem có phương pháp nào điều khiển ca nô chạy tự động qua bãi thủy lôi, chứ làm thế này nguy hiểm cho tính mạng của các chiến sĩ”. Gợi ý đó đã khởi nguồn cho sự ra đời của chiếc ca nô không người lái, điều khiển từ xa, ký hiệu T5, để phá thủy lôi của Mỹ đang chặn các cửa sông, bến cảng của ta, đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt, lại không nguy hiểm đến tính mạng các chiến sĩ.
Hồ Chí Minh là như thế. Với mỗi vấn đề Người đều cố gắng tìm ra cách giải quyết sáng tạo nhất, hiệu quả nhất với tinh thần nhân văn nhất - từ những việc nhỏ hằng ngày tới những công việc ở tầm vĩ mô.
Năm 1924, từ vốn kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú của mình, nhà cách mạng trẻ đến từ nước thuộc địa phương Đông đã nêu một quan điểm hoàn toàn mới: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông” 1. Nguyễn Ái Quốc cũng là người đầu tiên nêu quan điểm: Chủ nghĩa dân tộc (chân chính) là động lực lớn của đất nước. Yếu tố dân tộc, trong đó điểm nhấn quan trọng là độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân được Nguyễn Ái Quốc kết hợp nhuần nhuyễn và sáng tạo với yếu tố giai cấp, yếu tố quốc tế trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (1930) đã vượt ra ngoài khuynh hướng “tả”, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp của Quốc tế cộng sản đang chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa khi đó. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh những luận điểm sáng tạo và dũng cảm của Người là hoàn toàn đúng đắn.
Trong thế so sánh lực lượng luôn yếu hơn đối phương về vật chất, kỹ thuật, điều làm nên thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé mà kiên cường bên cạnh ý chí quyết tâm Dám đánh là phải Biết thắng. Để cách mạng thắng lợi trước những kẻ địch mạnh hơn, Hồ Chí Minh đã động viên nhân dân phát huy truyền thống chống xâm lược của cha ông, sáng tạo phát huy tối đa những lợi thế của mình, hạn chế tối đa những điểm mạnh của đối phương, chú trọng dùng mưu để chiến thắng với chi phí, tổn thất thấp nhất. Trong hai cuộc kháng chiến, Người nhiều lần đến thăm các đơn vị bộ đội, khen ngợi động viên, khuyến khích các chiến sĩ làm chủ vũ khí, phương tiện để sáng tạo cách đánh của Việt Nam, làm mất ưu thế những vũ khí, phương tiện, kỹ thuật hiện đại của địch. Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam đã được phát huy mạnh mẽ phù hợp với điều kiện chiến trường Việt Nam, đã đánh thắng ưu thế về binh lực, hỏa lực cùng các kỹ thuật chiến tranh hiện đại của hai cường quốc công nghiệp.
Trong thế kỷ 20, bản lĩnh văn hóa của dân tộc Việt Nam được hấp thụ thêm những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã tỏ rõ sức mạnh của mình. Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rõ, đánh giá đúng và khơi nguồn cho dòng sức mạnh trí tuệ của dân tộc trong cuộc đấu tranh. Cho đến cuối cuộc đời, Người vẫn không ngừng sáng tạo và khơi nguồn cho trí tuệ Việt Nam sáng tạo tỏa sáng.
Sang thế kỷ 21, sự phát triển khoa học - công nghệ đang từng giờ, từng phút làm thay đổi thế giới. Sáng tạo càng cần nhấn mạnh hơn với mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi đất nước nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Sau “Học, học nữa, học mãi” phải là “Sáng tạo, sáng tạo nữa, sáng tạo mãi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn của tinh thần đó. Nhiều thế hệ trẻ Việt Nam đã hy sinh, phấn đấu với tinh thần đó. Bối cảnh mới hôm nay càng cần phát huy tinh thần đó...
(1) Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ - Hồ Chí Minh - Toàn tập - NXB CTQG, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.510
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.