Người Singapore tranh cãi về tiền hỗ trợ du khách Việt bị lừa mua iPhone

28/03/2015 15:40 GMT+7

(TNO) Những người Singapore bỏ tiền giúp đỡ cho du khách Việt Nam bị lừa tiền mua iPhone 6 ở khu mua sắm Sim Lim Square (Singapore) hồi cuối năm 2014 cho biết họ rất bức xúc với cách sử dụng số tiền quyên góp, tờ Straits Times (Singapore) đưa tin ngày 28.3.

(TNO) Những người Singapore bỏ tiền giúp đỡ cho du khách Việt Nam bị lừa mua iPhone 6 ở khu mua sắm Sim Lim Square (Singapore) hồi cuối năm 2014 cho biết họ rất bức xúc với cách sử dụng số tiền quyên góp, tờ Straits Times (Singapore) đưa tin ngày 28.3.

Ảnh chụp màn hình tin kêu gọi quyên góp tiền cho anh Phạm Văn Thoại (người bật khóc trong ảnh) từ trang Indiegogo

Hồi tháng 11.2014, một doanh nhân tên Gabriel Kang đã phát động chiến dịch quyên tiền hỗ trợ cho du khách Việt Nam Phạm Văn Thoại sau khi chứng kiến cảnh anh này phải quỳ lạy xin nhân viên một cửa hàng bán điện thoại di động ở Sim Lim Square trả lại tiền cho anh. Anh Thoại đã bị cửa hàng này lừa khi chi ra một khoản tiền lớn để mua iPhone 6.

Nhiều người Singapore sau đó đã tỏ ra thương cảm và đã góp vào một khoản tiền trị giá hơn 15.500 USD.

Tuy nhiên, 5 tháng sau đó, khoản tiền này gần như còn nguyên do du khách Việt từ chối nhận tiền.

Ông Kang, 37 tuổi, người kêu gọi quyên tiền, nói với The Straits Times rằng còn hơn 9.000 USD trong phần tiền quyên góp chưa được dùng tới.

Sau khi phát động chiến dịch quyên tiền cho du khách Việt Nam trên trang thông tin dịch vụ trực tuyến Indiegogo, Kang nhận được khoảng 13.940 USD trong tài khoản ngân hàng. Đây là khoản tiền thực lãnh từ những nhà hảo tâm sau khi đã trừ chi phí của Indiegogo và của trang thanh toán điện tử PayPal, theo The Straits Times.

Kang trích ra 1.538 USD để mua một chiếc iPhone 6 Plus cho du khách Thoại, nhưng anh Thoại đã từ chối không nhận, chỉ đồng ý nhận quà là các món ăn trị giá khoảng 200 USD.

Doanh nhân Kang sau cùng đã cho bán đấu giá chiếc điện thoại và dùng số tiền đấu giá được để mua một vé máy bay cho một người phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Singapore, cùng trang thiết bị y tế, bánh kẹo và đồ chơi cho Trung tâm trẻ mồ côi Thiên Bình ở Đồng Nai, theo The Straits Times.

Tuy nhiên, một số nhà hảo tâm đã quyên tiền cảm thấy bức xúc vì họ không được tham vấn về chuyện này.

Abraham Lee, một sinh viên 23 tuổi, người đã góp 50 USD, nói: “Tôi muốn tiền được đưa cho anh Thoại. Giờ anh ấy không muốn nhận nó, ông Kang đâu có quyền tự cho từ thiện theo ý ông ta được”.

Kỹ sư vi tính 28 tuổi Jonathan Hoo, người góp vô 20 USD, cho biết: “Tôi bị sốc khi biết ông Kang đã mua vé máy bay cho một người phụ nữ mà ông ta chưa từng gặp. Đó đâu phải là mục đích chính của cuộc quyên góp”.

The Straits Times liên hệ với Văn phòng hội đồng thiện nguyện của Singapore để phỏng vấn về những tranh cãi nói trên và được cho biết luật thiện nguyện nước này quy định khi số tiền quyên góp không thể dùng cho mục đích từ thiện có liên quan đến những người đóng góp, số tiền này phải được hoàn lại, hoặc phải được dùng cho những việc từ thiện khác có mục đích tương tự.

Về phần mình, ông Kang cho biết ông muốn “dùng khoản tiền quyên góp được để giúp những người bị lừa khác”.

Doanh nhân này nói thêm rằng ông đã cố gắng để hoàn thành trách nhiệm với khoản tiền quyên góp. Chẳng hạn như, ông đã đi thăm trại trẻ mồ côi ở Việt Nam trong 2 tuần hồi tháng 12.2014. Ông cũng đã quyết định chi tiền hỗ trợ sau khi tìm ra trung tâm này.

Trong suốt chuyến đi Việt Nam, ông Kang cho biết ông tự trả tiền vé và chi phí ăn ở khách sạn. Một thách thức mà ông gặp phải là lấy hóa đơn tiền mua tủ lạnh và dụng cụ y tế cho trung tâm trẻ mồ côi.

“Cách họ làm ăn ở đây (Việt Nam) rất khác với cách của chúng ta. Ở đây không phải mọi thứ bạn mua đều lấy hóa đơn được”, ông Kang nói.

Ông cũng nói thêm rằng ông đã rất cẩn trọng trong chi tiêu khi chỉ dùng đúng 2.000 USD tiền bán đấu giá chiếc iPhone 6 Plus để làm từ thiện tại Việt Nam.

Ông Kang cho biết ông đang lên kế hoạch dành ra 3.000 USD để “chi tiền ở khách sạn, ăn uống và vé máy bay” cho anh Thoại nếu anh này quay lại Singapore lần nữa. Ông hy vọng có thể dùng phần tiền còn lại để giúp đỡ nạn nhân các vụ lừa đảo tại Singapore.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ đến chuyện hoàn lại tiền cho những người đóng góp không, ông nói: “Tôi cũng có nghĩ đến chuyện hoàn tiền nhưng đó là bước cuối cùng… Đâu có quy định thời gian (cho khoản tiền quyên góp). Tôi đang tính đến các phương án phải làm gì với số tiền còn lại”.

Đến Singapore du lịch với bạn gái, anh Phạm Văn Thoại, một người dân sống tại TP.HCM, muốn mua cho bạn gái chiếc iPhone 6 nhân dịp sinh nhật, The Straits Times đưa tin ngày 4.11.

Anh Thoại đã bỏ ra 950 SGD để mua iPhone 6 tại cửa hàng điện thoại Mobile Air ở khu Sim Lim Square.

Do không rành tiếng Anh, anh Thoại đã ký hợp đồng và chuẩn bị rời khỏi cửa hàng thì bị yêu cầu phải trả thêm 1.500 SGD phí bảo hành, nếu muốn nhận máy.

Không thể trả nổi phí bảo hành, Thoại quỳ gối khóc xin nhân viên cửa hàng trả lại số tiền mà anh làm lụng vất vả mới kiếm được. Sau đó, du khách Việt Nam này chỉ được trả lại phân nửa số tiền khi cảnh sát vào cuộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.