Vườn tượng APEC Đà Nẵng (đường 2.9, quận Hải Châu, Đà Nẵng) khánh thành năm 2017, nhân sự kiện APEC, là nơi trưng bày những bức tượng đại diện cho các nền kinh tế thành viên.
Tại đây, tác phẩm do nghệ nhân Nguyễn Long Bửu thực hiện có tên Khởi nguyên, đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam, dựa trên ý tưởng của giảng viên Lê Lạng Lương (Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội).
|
Tác phẩm cao 3 m, nặng hơn 11 tấn, mang hình ảnh một hạt mầm, tượng trưng cho tiềm năng phát triển của Việt Nam, các nền kinh tế APEC nói riêng và thế giới nói chung, nhằm hướng đến sự thịnh vượng toàn cầu. Xung quanh gốc tượng chạm trổ thành hình các gốc đa cổ thụ, các cội bồ đề đại diện cho sự bền vững và truyền thống. Sự đan xen giữa các gốc rễ, thân, cành cây còn nói lên tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng hưởng giữa các quốc gia, nền kinh tế.
tin liên quan
20 năm APEC - cầu nối Việt Nam với thế giớiÔng Bửu kể, sau khi nghe ý tưởng của tác giả Lê Lạng Lương, ông đích thân ra Thanh Hóa giữa lúc mưa lũ, chọn cho được khối đá granite xanh ở vùng núi phía tây cách thành phố Thanh Hóa hơn 300 km. Khối đá nặng hơn 20 tấn, ông cho thợ đục đẽo khoảng 1/3 phần vỏ, bóc tách lớp ngoài để chọn phần vân đẹp nhất. Sau khi chuyển về Đà Nẵng, ông và tác giả Lê Lạng Lương trực tiếp thi công, cùng sự hỗ trợ của 6 thợ đá lành nghề nhất của làng nghề đá Non Nước, miệt mài trong 45 ngày. “Có lúc chúng tôi hì hục cả ngày trời, khi thì trao đổi, khi chỉ ngồi ngắm, tìm cho ra cách thể hiện”, nghệ nhân Long Bửu nhớ lại.
Tại Vườn tượng APEC, ngoài tác phẩm Khởi nguyên, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu còn có 2 tác phẩm Bố cục và Niềm hạnh phúc. Trong đó, Bố cục thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ với tà áo dài Việt Nam, chất liệu cẩm thạch đỏ, bệ bằng sa thạch xám nâu, với chiều cao 1,65 m, từng đoạt giải thưởng của Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển - Việt Nam năm 2003. Còn Niềm hạnh phúc được tạc bằng cẩm thạch xám, nặng hơn 3 tấn, cao 2,65 m, từng giành huy chương bạc cuộc thi điêu khắc tại Thái Lan năm 2002. Tác phẩm khắc họa đôi chim bồ câu khát vọng hòa bình, tình yêu và hạnh phúc.
Nghệ nhân Long Bửu còn có 33 bức tượng trưng bày tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), tạo thành một quần thể tượng đá nghệ thuật với các tác phẩm: Nàng xuân, Suối tóc, Giao duyên... từng triển lãm tại Hà Nội nhân Hội nghị APEC lần thứ 14 năm 2006.
“Thấy bạn bè thế giới chiêm ngưỡng những bức tượng hai lần gắn với sự kiện APEC, đó là niềm tự hào của làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước, một làng nghề đã được các bậc tiền nhân gìn giữ, phát triển trong hơn 300 năm”, ông Nguyễn Long Bửu nói.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu (61 tuổi, ngụ phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng), được cha trực tiếp truyền nghề năm 10 tuổi. Ông là thế hệ thứ 4 của gia đình có truyền thống điêu khắc đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Sau khi đi bộ đội, ông làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5. Sau đó, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và trở về gắn bó với nghề đá.
|
Bình luận (0)