Sau hàng loạt vụ thảm án mà nghi phạm bị tâm thần, nhiều độc giả thắc mắc liệu người bị tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) không?
Vũ Văn Đản (giữa) lúc bị bắt giữ - Ảnh: Trần Hiếu |
Đại úy Nguyễn Nam Hào, thuộc Cơ quan CSĐT Bộ Công an phân tích, TNHS là hậu quả pháp lý mà bản thân người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội. Nhà nước có quyền áp dụng chế tài hình sự đối với người phạm tội. Hậu quả là người phạm tội bị áp dụng biện pháp cưỡng chế (hình phạt, biện pháp tư pháp) của Luật Hình sự.
Theo đại úy Hào, người mắc bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức là người khi phạm tội họ mắc một bệnh mà bệnh đó làm cho họ nhận thức không đầy đủ được tính chất nguy hiểm về hành vi của mình, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra, họ ở trong trạng thái lúc tỉnh lúc mê. Pháp luật chỉ thừa nhận và giảm nhẹ hình phạt cho họ nếu như căn bệnh đó do bẩm sinh hoặc do những tác động khách quan đưa đến, nếu do tự họ gây ra thì không được giảm nhẹ.
Nếu tình trạng bệnh tật của một người đã làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì họ sẽ không phải chịu TNHS. Việc xác định tình trạng của một người còn hay mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển thuộc trách nhiệm của cơ quan pháp y. Ở giai đoạn tố tụng nào phát hiện được hoặc do người phạm tội yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng đó trưng cầu giám định tình trạng bệnh tật của người phạm tội.
Khi người tâm thần gây án
Luật sư (LS) Nguyễn Tấn Thi (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, theo quy định tại điều 13 Bộ luật Hình sự, người bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì không phải là tội phạm. Bởi theo quy định thì người đó đang trong tình trạng không có năng lực TNHS.
Lâu nay chúng ta thường nghĩ những người có hành vi kỳ quặc như la hét, mặc quần áo kỳ dị nơi công cộng... mới là người bệnh tâm thần. Tuy nhiên theo y học thì bệnh tâm thần có rất nhiều loại khác nhau xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có những biểu hiện khác nhau. Nhìn chung các chứng tâm thần gây cho người bệnh hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Nặng hơn thì có thể khiến người bệnh lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
So sánh với trường hợp Nguyễn Thị Vân đâm xuyên não bé 11 ngày tuổi với vụ án của Vũ Văn Đản (hung thủ giết chết 4 người, làm 3 người bị thương nặng) thì dư luận đặt câu hỏi tại sao nghi phạm đều bị tâm thần nhưng người thì phải chịu TNHS nhưng người thì không, LS Thi phân tích: Vì Đản chỉ thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng "hạn chế khả năng nhận thức" chứ không phải mắc bệnh tâm thần phân liệt, mất năng lực hành vi như nghi phạm Vân.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.
Nếu trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, nghi phạm chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu TNHS. Tuy nhiên, việc hạn chế năng lực và điều khiển hành vi có thể được HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt khi xét xử vụ án.
Bình luận (0)