Người tạo nên lịch sử ở Bộ Tư pháp Mỹ

04/05/2015 07:33 GMT+7

(TNTS) “Đây là một tình huống điên rồ bởi một người phụ nữ mà ai cũng công nhận là người có đầy đủ năng lực, người đã và đang săn tìm những kẻ khủng bố, người làm việc với cảnh sát để làm sạch bóng các băng nhóm trên đường phố, người được cộng đồng nhân quyền và các hiệp hội cảnh sát đánh giá là công bằng, hiệu quả và có khả năng quản lý - mà chẳng ai có thể nói ngược lại, người từng hai lần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm một trong những công việc thực thi pháp luật quan trọng nhất, lại phải ngồi đợi lâu hơn tổng thời gian chờ đợi của 7 người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp trước đây”.

(TNTS) “Đây là một tình huống điên rồ bởi một người phụ nữ mà ai cũng công nhận là người có đầy đủ năng lực, người đã và đang săn tìm những kẻ khủng bố, người làm việc với cảnh sát để làm sạch bóng các băng nhóm trên đường phố, người được cộng đồng nhân quyền và các hiệp hội cảnh sát đánh giá là công bằng, hiệu quả và có khả năng quản lý - mà chẳng ai có thể nói ngược lại, người từng hai lần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm một trong những công việc thực thi pháp luật quan trọng nhất, lại phải ngồi đợi lâu hơn tổng thời gian chờ đợi của 7 người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp trước đây”.

Đó là lời chỉ trích công khai của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước sự trì hoãn của Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế.

Người tạo nên lịch sử ở Bộ Tư pháp Mỹ 1
Cũng may, tình huống điên rồ đó đã chấm dứt sau 5 tháng trời vào ngày 23.4 vừa qua. Bà Loretta Lynch, 55 tuổi, sẽ trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ khi giành được 56 phiếu thuận (43 phiếu chống) ở Thượng viện. Bà cũng là luật sư Mỹ đầu tiên trở thành Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong lịch sử hiện đại (người gần đây nhất là William Wirt dưới thời Tổng thống James Monroe từ năm 1817 đến 1829.) Bà sẽ chuyển từ văn phòng công tố viên liên bang ở Brooklyn (New York) với nhân sự dưới trướng là 170 luật sư đến Capitol Hill ở thủ đô Washington quản lý 116.000 nhân viên và ngân sách 27 tỉ USD. Bà sẽ tiếp quản công việc từ người tiền nhiệm Eric Holder (là người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức này và cũng được đề cử bởi Tổng thống Obama) vốn thường xuyên là mục tiêu của sự nổi giận từ phe Cộng hòa. Sự chuyển giao quyền lực này xảy ra đúng vào lúc căng thẳng dâng cao giữa hai phe nên Lynch còn là một trường hợp lịch sử vì sự bổ nhiệm bà kéo dài những 161 ngày trong khi thời gian chờ đợi của 7 người tiền nhiệm (từ năm 1988) cộng lại cũng mới chỉ 119 ngày.
Con phải đến Harvard
Người có mặt tại phòng chờ ở Thượng viện vào ngày thứ năm lịch sử ấy để được đích thân nghe cái kết của quá trình mà chính ông từng nói cách đây 5 tháng: “Không có cơ hội nào cho Loretta” là ông Lorenzo Lynch, 82 tuổi, mục sư Baptist đời thứ 4 đã nghỉ hưu - cha của Loretta. Ông lớn lên trong xã hội phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ, nơi mọi thứ dù nhỏ nhất đều bị áp theo luật Jim Crow và một người mục sư như ông nếu lái xe đến các bang khác để làm lễ thì không được dừng xe và bước vào nhà vệ sinh. “Anh không bao giờ được đánh giá dựa trên công trạng. Không có cảnh sát da màu, không có thẩm phán da màu, không có chủ ngân hàng da màu và ngay cả người bán hàng da màu ở cửa hàng”, ông Lorenzo nhớ lại. Còn mẹ của bà là Lorine Lynch, một thủ thư về hưu từng trải qua những năm tháng thời trẻ trên cánh đồng bông. “Tôi nói với Loretta rằng tôi hái bông để nó không phải làm việc này nữa”, bà Lorine kể.
Loretta Lynch lớn lên khi thời thế đã thay đổi nhưng con đường cũng không hề bằng phẳng. Cô bé tóc xoăn đeo mắt kiếng đã nếm trải tàn dư của chế độ phân biệt chủng tộc ngay tại trường tiểu học - nơi phần lớn là học sinh da trắng. Có lần Loretta làm quá tốt bài kiểm tra đến nỗi cô giáo yêu cầu làm lại (và Loretta còn đạt điểm cao hơn). Rồi đến khi lên trung học, cô học sinh giỏi nhất lớp đã bị ban giám hiệu đề nghị chia sẻ vinh dự này với hai bạn khác, trong đó có một bạn da trắng, vì sợ trở thành đề tài tranh cãi khi có một học sinh da màu duy nhất được chọn làm người đọc diễn văn chia tay trong lễ tốt nghiệp.
Dù được Đại học North Carolina cấp học bổng toàn phần cho 4 năm học nhưng Loretta từ chối vì muốn đến Harvard. “Tôi luôn cầu nguyện để các con được theo đuổi giấc mơ của chúng”, ông Lorenzo cho biết. Tại Harvard, Loretta chọn chuyên ngành văn chương Anh và Mỹ nhưng không phải là mẫu sinh viên chỉ biết học mà bà còn là trưởng nhóm cổ vũ và là thành viên sáng lập của Hội Nữ sinh da màu đầu tiên ở Harvard. Chính tại đây, bà quyết định trở thành luật sư nên sau khi tốt nghiệp hạng ưu, bà được Trường luật Harvard nhận vào. “Loretta rất nghiêm túc, rất trầm lặng, rất chăm chỉ và rất thông minh”, Sharon Malone nhận xét về cô em gái cùng học chung ở Harvard. “Chúng tôi đều đến từ miền Nam. Chúng tôi có mặt tại Harvard vào thời điểm mà người ta nghĩ rằng bạn ở đó vì được ưu tiên. Điều này khiến bạn phải học hành chăm chỉ hơn. Bạn phải chứng minh điều gì đó”, bà Malone tiếp. Bà Malone là một bác sĩ có tiếng ở Mỹ, là vợ của người tiền nhiệm của Loretta - ông Eric Holder.
Người tạo nên lịch sử ở Bộ Tư pháp Mỹ 2Với cha mẹ và chồng ngày cưới năm 2007
Loretta là sếp tôi
Sáu năm sau ngày tốt nghiệp, bà gia nhập một trong những văn phòng luật sư hàng đầu của Mỹ, quận Đông New York trong vai trò công tố viên phục vụ hơn 8 triệu dân. Đến năm 1999 bà được Tổng thống Bill Clinton đề cử vị trí đứng đầu tại quận Đông cho 2 năm cuối trong nhiệm kỳ của ông. Khi ông Clinton mãn nhiệm cũng là lúc bà trở lại làm việc cho các tập đoàn tư nhân và có cơ hội gặp người chồng tương lai Stephen Hargrove.
Trong lúc đi riêng với nhau, Hargrove - người đã có một đời vợ với 2 con đã hỏi xin ông Lorenzo được lấy Loretta và nhận được câu trả lời của cha vợ tương lai: “Tôi không thể cho anh con gái tôi nếu tôi muốn. Nó là đứa rất độc lập”.
Và thêm một cuộc gặp riêng nữa giữa ông Lorenzo và Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder cũng khắc họa đôi điều về con người công việc của Loretta. Lúc đó, ông Lorenzo đến gặp Eric Holder và giới thiệu: “Tôi là cha của Loretta nhưng Loretta thực sự là sếp của tôi. Ngài bộ trưởng ngạc nhiên: “Không, điều này không đúng” rồi ông Lorenzo nói: “Tại sao không?”. Lúc đấy ông Eric Holder mới nói: “Loretta là sếp tôi”. Cho đến nay, ông Lorenzo cho biết ông vẫn giữ nguyên sự tôn trọng dành cho người sắp rời khỏi Bộ Tư pháp: “Ông ấy là một người trong đời tôi đã đấu tranh cho công lý. Con gái tôi cũng vậy”.
Sự nghiệp đấu tranh vì công lý của Loretta thì chẳng thể nào phủ nhận, nhưng quyết định phê chuẩn mang tính lịch sử này của Thượng viện Mỹ còn biến bà thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em, để chúng phấn đấu trong cuộc sống, theo lời của luật sư Kenneth Thompson - một cộng sự lâu năm của bà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.