Gia đình của các nạn nhân trên máy bay MH370 mất tích đã đồng loạt nộp đơn kiện hãng hàng không Malaysia Airlines và nhiều cơ quan liên quan khác trước khi hết hạn nộp đơn.
Một phụ nữ cầm đơn kiện của bà và nhiều người khác tại văn phòng hãng Malaysia Airlines ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Chiếc Boeing 777-200ER, số hiệu chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) sang Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8.3.2014 thì bị mất tích. Trên máy bay lúc đó có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Nhiều người thân của các nạn nhân đã đồng loạt nộp đơn lên các toà án ở Mỹ, Úc, Trung Quốc và Malaysia trong vài tuần qua, trong khi nhiều người khác dự kiến cũng sẽ làm như vậy trước khi hết hạn tiếp nhận đơn kiện vào ngày 8.3 theo luật hàng không quốc tế, theo Reuters ngày 7.3.
Gia đình của 2 hành khách Ukraine trên máy bay MH370 đã kiện hãng hàng không Malaysia Airlines. Trong khi đó, gia đình của một hành khách người Nga, một người Trung Quốc và 8 người Malaysia thì kiện chính phủ Malaysia, hãng hàng không MAS, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng và Không quân Malaysia.
Luật sư Sangeet Kaur Deo cho hay các gia đình đi kiện vì những thiệt hại do sự sơ suất, vi phạm hợp đồng và vi phạm trách nhiệm theo quy định. Bà Sangeet nói rằng mặc dù chiếc máy bay vẫn chưa được tìm thấy nhưng các hành khách và phi hành đoàn lại bị kết luận là đã chết.
Mảnh vỡ được tìm thấy tại Mozambique ngày 3.3 nghi của máy bay MH370 - Ảnh: Reuters
|
Theo luật sự Sangeet, nhiều gia đình đã cố đàm phán, dàn xếp nhưng chưa nhận được tín hiệu hợp lý từ hãng hàng không MAS. Vì vậy để bảo vệ quyền pháp lý, các gia đình đã quyết định đi kiện trước ngày 8.3.
Đến nay, người ta mới chỉ tìm thấy một mảnh vỡ duy nhất của máy bay MH370 tại đảo Reunion thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương hồi tháng 7.2015. Tuần qua, một mảnh vỡ khác nghi của máy bay này được phát hiện tại Mozambique và được đưa sang Úc kiểm tra.
Người đàn ông tìm ra mảnh vỡ tại Reunion hôm 3.3 lại phát hiện thêm một vật thể nữa và đã giao cho cảnh sát xử lý. Bộ trưởng Giao thông Malaysia cho hay đang đợi kết quả kiểm tra 2 vật thể này, theo Reuters.
Toà tối cao Malaysia hôm 4.3 cũng tiếp nhận sự giải thích của phía chính phủ Malaysia và hãng hàng không MAB (công ty mới của MAS sau cải tổ). Con của 2 hành khách trên máy bay MH370 đã kiện chính phủ Malaysia và MAB, trong khi 2 nơi này lý luận rằng không có trách nhiệm pháp lý liên quan đến MH370. MAB cho rằng công ty này được thành lập 8 tháng sau khi máy bay mất tích.
Để cơ cấu lại công ty, MAS đã chuyển toàn bộ tài sản và quyền điều hành cho MAB vào năm 2015. Các gia đình nạn nhân giờ đây lo sợ có thể không được MAS bồi thường.
Bình luận (0)