Người thầy 'chạm mặt' câu hỏi 15 Ai là triệu phú: Kiến thức đến từ đâu?

Phan Diệp
Phan Diệp
28/11/2024 09:39 GMT+7

Thầy giáo về hưu Phạm Cao Long (61 tuổi, ở TP.Hải Dương) - là người thứ 3 'chạm mặt' câu hỏi số 15 trong chương trình Ai là triệu phú chia sẻ với PV Thanh Niên kiến thức từ đâu mà có và đề cao tinh thần tự học.

Trong chương trình Ai là triệu phú, phát sóng tối 26.11, ông Phạm Cao Long, thầy giáo dạy toán cấp 2 về hưu đã đi đến câu hỏi số 14, sau đó dừng cuộc chơi.

Vì thế, ông được chương trình cho trả lời thử câu số 15 – câu hỏi cuối cùng "siêu khó" với giá trị 250 triệu đồng chưa tìm được người sở hữu trong lịch sử 19 năm.

"Tôi bị say câu hỏi"

Đó là cảm xúc của ông Long sau khi thi xong, hôm 7.11. Về đến nhà hơn 1 ngày sau ông Long vẫn miên man nghĩ về câu hỏi khiến mình phải đưa ra quyết định dừng lại. Đó là câu hỏi số 14 với nội dung: "Ông Lê Ngọc là tác giả đã tạo nên bức tranh về Bác Hồ bằng cách thức nào?".

"Dù tôi có linh cảm và đưa ra suy luận đúng với đáp án A - Máy đánh chữ, nhưng vì lúc đó trong đầu không có dữ liệu về vấn đề này nên quyết định dừng cuộc chơi. Hơn 1 ngày sau, tôi mới nhớ ra mình đã từng nhìn qua bức tranh đó rồi", ông nói.

Ở câu hỏi số 15: "Ngày nào dương lịch hằng năm được chọn là "Ngày tôn vinh tiếng Việt" trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?", ông Long cho rằng trong các ngày chương trình đưa ra, bản thân không có kiến thức về chủ đề này để phân tích. Vì thế, ông thử chọn theo cảm tính là D - Ngày 15.9 nhưng đáp án chính xác lại là C - Ngày 8.9.

Người thầy 'chạm mặt' câu hỏi 15 Ai là triệu phú: Kiến thức đến từ đâu?- Ảnh 1.

Ông Long được thử trả lời câu hỏi số 15

Ảnh: Chụp màn hình

Ông Long đăng ký tham gia chương trình vì có sự động viên của gia đình, muốn làm vợ con vui và làm gương cho con cháu. Khi chương trình phát sóng, ông nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ đồng nghiệp cũ, học trò, người thân và bạn bè chung vui, chúc mừng. "Tôi không tiếc vì dừng lại, nhưng tiếc vì mình đã sử dụng quyền trợ giúp ở một số câu hỏi trước đó quá sớm", ông bày tỏ.

Suốt phần thi, ông Long cho biết không đưa ra câu trả lời dựa vào sự may rủi mà dùng kiến thức, suy luận để có cơ sở chọn đáp án. Cũng có câu ông biết ngay đáp án, như câu số 13 hỏi về: "Năm 1905, nhà khoa học người Đức Robert Koch đã được trao giải Nobel Y sinh cho các công trình về bệnh gì?

"Nếu khán giả xem chương trình để ý, khi MC đọc lần lượt các đáp án A - Bệnh bạch hầu, B - bệnh than thì tôi đã lắc đầu. Nhưng khi đến đáp án C - Bệnh lao, thì tôi gật đầu, tức là đã nắm chắc được phần đúng", ông chia sẻ.

Người thầy 'chạm mặt' câu hỏi 15 Ai là triệu phú: Kiến thức đến từ đâu?- Ảnh 2.

Ông thích đi du lịch và chơi thể thao.

Ảnh: NVCC

Kiến thức nhờ đọc sách nhiều mà có

Tôi thích đọc sách và có sở trường về địa lý, vì thế khi đọc câu hỏi số 10: Có câu "Vắng như chùa Bà Đanh". Ở đâu có chùa Bà Đanh?" thì tôi biết ngay đáp án A – Hà Nam.

Ông chia sẻ, để có kiến thức, ông đề cao tinh thần tự học và đọc sách nhiều. Đó là điều ông được cha dạy từ nhỏ. Theo ông, đọc sách cũng phải biết chọn lọc, phải tìm sách về vấn đề mình đang quan tâm, trước khi mua phải xem mục lục, nội dung, tác giả…

"Người thầy có thể dạy học trò về tư duy, nhưng kiến thức của mình thì phải tự học lấy. Tôi là thầy giáo nhưng vẫn dạy học sinh của mình như thế", ông Long nói.

Người thầy 'chạm mặt' câu hỏi 15 Ai là triệu phú: Kiến thức đến từ đâu?- Ảnh 3.

Gia đình ông Long trong một lần đi chơi

Ảnh: Thu Thuỷ

Chị Phạm Thị Thu Thuỷ (35 tuổi), con gái ông Long chia sẻ: "Trong mắt các con, bố là người luôn muốn tìm hiểu những cái mới. Khi nói chuyện với con, bố luôn lắng nghe kiến thức chuyên môn của chúng tôi để tăng thêm sự hiểu biết. Từ bé, tôi đã thần tượng bố".

Khi câu chuyện của ông Long "gây bão mạng", chị Thuỷ thấy vui vì cảm nhận được niềm vui của bố mẹ sau chương trình. Chị cho biết, khi người lớn tuổi vui đồng nghĩa với việc gia tăng sức khoẻ. Ở độ tuổi của bố mình, chị Thuỷ thấy đây có thể xem là một thành tựu lớn.

Tuy vậy, ông Long luôn dặn con cái phải biết cân bằng cảm xúc. "Vì vậy với niềm tự hào nho nhỏ, tôi không muốn khoe bố tôi đã giỏi thế nào. Tôi chỉ muốn câu chuyện của ông trở thành động lực và nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam", chị Thuỷ nói.

Còn với ông Long, khi thấy nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ, ông chỉ khiêm tốn, cười và nói: "Có lẽ tôi gặp may mắn một chút và nhờ nhớ dai một chút. Nhớ dai có thể là do gen, nhưng tôi cũng hay quên. Tôi không lý giải được tại sao lại có thể nhớ một chi tiết nhỏ khi đọc lướt qua trang sách nhưng lại quên béng ngay vợ dặn mua gì khi đi chợ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.