Người thầy có công lớn giúp phát triển ngành răng hàm mặt

Thanh Tùng
Thanh Tùng
13/01/2024 19:16 GMT+7

Đó là Thầy thuốc nhân dân, PGS-TS Lâm Ngọc Ấn. Người được rất nhiều bác sĩ hiện nay gọi bằng thầy. Ông đã có công rất lớn cho sự phát triển của ngành răng hàm mặt nước nhà.

Hôm nay 13.1, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm 3 năm ngày mất của PGS-TS Lâm Ngọc Ấn (13.1.2021 – 13.1.2024) và tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

PGS-TS Lâm Ngọc Ấn (sinh ngày 13.1.1929), nguyên Viện trưởng Viện Răng hàm mặt Việt Nam (tiền thân của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM hiện tại).

Kết nối quan hệ quốc tế giúp phát triển ngành răng hàm mặt

PGS Ấn được đào tạo chuyên ngành răng hàm mặt trong và ngoài nước; đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí chuyên môn, quản lý từ các bệnh viện tại TP.HCM, Hà Nội, đến bộ môn ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội…

Người thầy có công lớn giúp phát triển ngành răng hàm mặt- Ảnh 1.

PGS-TS Lâm Ngọc Ấn và các cháu thiếu nhi nhân một chương trình nha khoa học đường

Ảnh tư liệu Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM

Ông được xem là "đôi tay vàng" trong phẫu thuật hàm mặt.

Các thế hệ bác sĩ học trò của PGS Ấn chia sẻ tại buổi lễ, ghi nhận những đóng góp rất lớn của ông cho ngành y tế nói chung và chuyên ngành răng hàm mặt nói riêng.

Trong những đóng góp đó, dấu ấn lớn của PGS Ấn là về kết nối, mở rộng mối quan hệ quốc tế với các tổ chức, các trường đại học để thúc đẩy và tạo nền tảng cho ngành răng hàm mặt phát triển như ngày hôm nay.

Nhờ mở rộng quan hệ quốc tế, PGS Ấn đã kết nối với các đơn vị, tổ chức nước ngoài. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo trong nước và quốc tế, ông đã khởi xướng chương trình phẫu thuật nhân đạo (miễn phí) cho trẻ em dị tật, sứt môi - hở hàm ếch trong nước có gia cảnh khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ vùng sâu vùng xa. Chương trình phẫu thuật nhân đạo này được Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM duy trì và ngày càng phát triển.

PGS Ấn luôn tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật mới để đem lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. Ông là người thực hiện ca cấy ghép implant nha khoa đầu tiên tại Việt Nam (vào năm 1994). Từ đó, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành cấy ghép nha khoa tại Việt Nam cho đến bây giờ.

Cũng nhờ sự mở rộng hợp tác quốc tế của PGS Ấn, Việt Nam đã được kết nạp vào Hội Hàn lâm nha khoa quốc tế, Hội Nha sĩ các trường đại học, Hội Nghiên cứu nha khoa quốc tế,… giúp ngành răng hàm mặt Việt Nam hội nhập vào cộng đồng nha khoa quốc tế.

Người thầy có công lớn giúp phát triển ngành răng hàm mặt- Ảnh 2.

Tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của PGS-TS Lâm Ngọc Ấn

K.Vy

Những bác sĩ học trò của ông chia sẻ: "Mãi đến những giây phút cuối đời, thầy vẫn luôn đau đáu, mong muốn ngành răng hàm mặt Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế".

TS-BS Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM, chia sẻ thêm: "Thầy Ấn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành răng hàm mặt trong nước nói chung và Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM ngày nay nói riêng. Bản thân tôi may mắn được làm việc chung với thầy Ấn 15 năm, cùng các bác sĩ là học trò của thầy đã chịu sự ảnh hưởng từ thầy về chuyên môn, về y đức. Người thầy giàu tâm huyết, đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò, nhiều người đã trở thành phẫu thuật viên tên tuổi, những nhà lãnh đạo, quản lý có nhiều cống hiến cho ngành răng hàm mặt. Ngoài những việc lớn, thầy Ấn rất quan tâm về việc nhà vệ sinh bệnh viện phải thật sạch sẽ, bệnh viện phải có cây xanh…".

"Đừng lấy của bệnh nhân nghèo"

PGS Lâm Ngọc Ấn rất quan tâm về nha khoa cộng đồng, dự phòng bệnh răng miệng. Ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc phát triển mạng lưới nha học đường lan tỏa ở các tỉnh, thành.

Người thầy có công lớn giúp phát triển ngành răng hàm mặt- Ảnh 3.

Một ca điều trị cho trẻ em dị tật, sứt môi - hở hàm ếch tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM

K.Vy

Tiếp nối các chương trình của thầy thuốc GS-BS Võ Thế Quang, PGS Ấn đã thúc đẩy chương trình flour hóa nước máy tại TP.HCM và chương trình súc miệng với nước flour ở các tỉnh thành phía nam - nhằm phòng ngừa và giảm tỷ lệ sâu răng.

PGS Ấn cũng là người đề xuất việc tổ chức giao ban chỉ đạo tuyến 32 tỉnh thành phía nam về công tác răng hàm mặt.

Tại buổi lễ tưởng niệm hôm nay 13.1, có bác sĩ (hiện đã nghỉ hưu, từng là học trò của PGS Lâm Ngọc Ấn), chia sẻ: "Ngày trước thầy dặn tôi, sau này em có làm phòng khám tư, thì nhớ chỉ lấy tiền khám của người giàu, đừng lấy của bệnh nhân nghèo, hãy giúp họ…".

Chia sẻ đó, phần nào giúp thế hệ bác sĩ hiện tại có sự lắng đọng, nhìn lại những ứng xử của mình với người bệnh trong nước, nhất là những người bệnh còn lắm những khó khăn…

Với những thành tích, cống hiến, PGS-TS Lâm Ngọc Ấn được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế phong tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 3; Thầy thuốc ưu tú; Thầy thuốc nhân dân; Bằng khen của Bộ Y tế về việc thực hiện xuất sắc 12 điều y đức; Huy chương " Vì thế hệ trẻ"; Huân chương Độc lập hạng 2; Huân chương Lao động hạng 3; Huy hiệu 60 năm tuổi đảng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.