Hầu như không có ai nói đến người phụ nữ, trong vai trò một người thầy.
Trong khi học ăn, học nói, học đi, học yêu thương, học những chuẩn mực đạo đức được hình thành rất sớm trong mỗi người lại chính là gia đình. Mà người có vai trò quan trọng nhất chính là người mẹ, người bà, người chị. Hay nói cách khác, phụ nữ chính là người thầy đầu tiên của con người. Ông bà ta, theo quan niệm tâm linh, khi chọn năm sinh con cái, thường chọn tuổi người con hợp với tuổi của người mẹ, có lẽ xuất phát từ câu “phúc đức tại mẫu”.
Thiên chức làm vợ, làm mẹ tạo hóa cho người phụ nữ, trước hết là người giữ lửa trong tổ ấm của đời sống vợ chồng, của gia đình, là người thầy đầu tiên của con người khi con cái đến trường, hết mẹ, rồi bà “dắt tay từng bước”. Người mẹ cũng là người “kèm cặp”, vui buồn cho mỗi bước học hành, lấy vợ, lấy chồng, công tác và đi lên của con cái. Thời bao cấp, có được cái xe đạp là quý hiếm lắm, người bố đã than phiền (nhưng không trách) “con lớn mất xe, cháu o oe mất bà”. Tiếng đầu tiên mà bé bập bẹ lại thường là tiếng “bà”, không phải chỉ vì dễ phát âm mà vì sự thân thương, gần gũi của người phụ nữ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh trong vài chục năm qua có công phần lớn do người phụ nữ ngoài sự tận tâm mà còn có thêm kiến thức khoa học. Trong những năm lạm phát cao, người chồng có thể bị thiếu việc, mất việc nhưng người phụ nữ vẫn khéo co kéo, thậm chí còn bớt tiêu, bớt ăn cho bản thân để thu xếp chi tiêu của gia đình nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Từ việc chỉ "xây tổ ấm", ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam tham gia vào chính trường, làm kinh tế... ở lĩnh vực nào, nhiều người cũng là bậc thầy, cũng đạt được những thành tựu nổi bật, được thế giới biết đến.
Ngọc Minh
Bình luận (0)