Ở những phần trước, chúng tôi đã giới thiệu một số nội dung quan trọng của cuốn sách. Trong cuốn sách này, tướng Vịnh viết về cuộc đời ông Ba Quốc, từ những chuyện quốc gia đại sự lần đầu tiên được công bố cho đến những chi tiết cảm động về đời riêng của "Người thầy tình báo". Dù chúng tôi chỉ "điểm sách" nhưng ông Vịnh vẫn nhắc đi nhắc lại rằng sở dĩ trong sách có nói về sự trưởng thành của bản thân ông thì cũng chỉ để tôn vinh những công lao của tướng Ba Quốc, nên đề nghị chúng tôi không nói nhiều về tác giả, rằng trong cuốn sách, độc giả chỉ thấy Nguyễn Chí Vịnh "lấp ló" trong tổng thể, nhưng nếu tách ra trong những bài báo thì sẽ "không hay".
Chúng tôi rất hiểu lời ông nói. Nó giống hệt lời ông Ba Quốc, ông Phạm Xuân Ẩn và các nhà tình báo lão thành nói với chúng tôi khi viết bài về các ông, rằng "không nên tô vẽ". Họ không hề tỏ ra khiêm tốn. Khiêm tốn, khiêm nhường là bản tính cố hữu của họ, bản tính đó "di truyền" qua các thế hệ những người làm tình báo. Bởi vậy, khi viết về họ, chúng tôi phải dụng công đi "vòng quanh" mới có thể biết đầy đủ về họ.
Tướng Vịnh viết: "Những anh hùng tình báo thế hệ ông Ba luôn coi Tổ quốc, lòng yêu nước lớn hơn tất cả, coi sự trung thành với Tổ quốc, với đất nước là động lực để tồn tại và thành công. Chính vì thế, họ mới sống được trong lòng địch, họ mới tìm được người tốt ngay trong lòng địch. Nếu trong lòng địch mà toàn địch hết thì làm sao mà làm? Lý lẽ của các ông là: Những người làm cho địch không phải là ta, nhưng trong số đó cũng có những người có lòng yêu nước, dù là yêu nước theo kiểu khác. Ông Ba bảo: Đất nước là gì? Đất nước là mẹ, Tổ quốc là mẹ, là ngôi nhà của mình. Nếu mà có vợ có con, thì đất nước cũng là vợ con, gia đình mình".
Có một câu chuyện liên quan một điệp vụ siêu hạng của ông Ba Quốc mà chúng tôi viết gần 20 năm trước. Đó là câu chuyện ông giải cứu ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn-Gia Định. Sau khi đăng câu chuyện này trên Báo Thanh Niên, chúng tôi đã bị một số người phản ứng dữ dội, cho rằng ông Ba Quốc nói sai hoặc là chúng tôi viết sai, rằng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không thể là người mất cảnh giác để rơi vào cảnh hiểm nghèo như vậy. Sự phản ứng còn lan truyền đến một số vị lãnh đạo và cựu lãnh đạo cấp cao. Viết sai sự thật về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thì chúng tôi "chết chắc". Ông Ba Quốc thì đang bệnh nặng nằm bệnh viện trong những ngày cuối đời.
Lãnh đạo Tổng cục 2 cũng bị cật vấn. Nhưng vì câu chuyện có thật đó nằm trong hồ sơ tình báo được lưu giữ ở Tổng cục nên các anh lãnh đạo Tổng cục động viên chúng tôi yên tâm.
Và chính Tổng cục trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã trực tiếp xử lý sự cố. Trả lời câu hỏi vì sao câu chuyện đó những người thân của cố Tổng Bí thư không biết, ông Vịnh từ tốn giải thích rằng câu chuyện này ông đã nghe kể và trong hồ sơ cũng đã lưu như thế, rằng chú Mười Cúc lúc đó không biết ai đã cứu mình, nếu như chú biết thì người khác cũng có thể biết. Tức là thân phận ông Ba Quốc trong lòng địch hoàn toàn có nguy cơ bị lộ. Sau sự giải thích của tướng Vịnh, câu chuyện mới được giải tỏa theo một cách hết sức nhân văn và đầy tình người.
Lúc đó, tướng Vịnh thường xuyên vào thăm ông Ba Quốc trong bệnh viện, nhưng không hề kể câu chuyện bài báo bị phản ứng cho ông Ba nghe. Chuyện này cũng đề cập trong cuốn sách của ông.
Gần 20 năm nay tôi vẫn miên man nghĩ đến câu chuyện "nhạy cảm" nói trên. Ông Ba Quốc cứu ông Nguyễn Văn Linh không phải là do chỉ thị của cấp trên, chỉ là ngẫu nhiên ông được cơ quan Mật vụ chính quyền Sài Gòn giao nhiệm vụ theo dõi phá án để bắt mấy ông "Việt cộng bự". Biết họ là người của mình nên ông phải cứu, nó nằm ngoài nhiệm vụ tình báo mà cấp trên giao cho ông, ông không nghĩ đó là công tích gì.
Sau ngày hòa bình, ông cũng không kể với ông Nguyễn Văn Linh hoặc bất cứ ai về điệp vụ đó, dù ông Nguyễn Văn Linh làm đến Tổng Bí thư. Kể lại cũng không để làm gì. Để dựa dẫm chăng? Bản tính ông không dựa dẫm. Ông chịu ơn ai, dù một chút xíu, cũng trả ơn cho bằng được, nhưng không cần người khác trả ơn. Câu chuyện ông kể chúng tôi nghe là nằm trong loạt điệp vụ mà chúng tôi "truy hỏi", ông không thể không kể.
Ông Ba Quốc cả đời hiến dâng cho đất nước, ông làm tất cả những gì mà ông có thể, không cần phải được ghi nhận công lao và tuyệt đối không tham quyền cố vị. Ông đã đề nghị tướng Vịnh thay ông làm Cục trưởng và ông đã giao ngay công việc điều hành cho tướng Vịnh trước khi có quyết định của cấp trên, ông còn viết bản cam kết chịu trách nhiệm để tướng Vịnh thay ông. Khi có quyết định chính thức, cấp trên của ông mới nói cái tờ giấy viết tay đó của ông chẳng có giá trị gì, nhưng ai cũng vui vẻ, một tập thể một lòng vì nước vì dân không ai câu nệ tiểu tiết hành chính. Và như đã đề cập ở phần trước, ông cũng đã từ chối làm Tổng cục trưởng Tổng cục 2 để đề nghị tướng Vịnh giữ cương vị này và vui vẻ làm Cố vấn cho đến khi ông tự thấy không cần thiết nữa.
Ông Ba Quốc công lao lừng lẫy nhưng một đời liêm khiết. Cả hai gia đình trong Nam và ngoài Bắc của ông đều chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, sau hòa bình họ cũng không cần gì hết, họ chỉ cần ông sống khỏe mạnh. Tướng Vịnh còn kể một câu chuyện cảm động. Khi ông Ba Quốc đã là người đứng đầu cơ quan tình báo phía nam, có lần ông gửi cho người con rể một món quà là 2,5 lạng mì chính (bột ngọt), dặn chia ra làm 4, để lại gia đình một phần, còn 3 phần tặng những người thân thiết với ông. Ông Nguyễn Chí Vịnh viết: "Trao nhận những món quà từ phương xa thì tôi đã thấy nhiều, nhưng tôi không thấy cái gì giống như gói mì chính chia làm 4 đó cả". Là tiền lương của ông chỉ có thể dành dụm làm được những việc riêng như thế, ông tuyệt đối không lạm dụng công quỹ, dù chỉ là vài lạng mì chính.
Bình luận (0)