Người thợ điêu khắc... mù chữ trên đảo ngọc

27/09/2014 10:20 GMT+7

Nhìn các pho tượng với những đường nét mềm mại trông như thật, chẳng ai ngờ nó được tạo nên bởi một người mù chữ và chưa từng được học nghề.

 Anh Lực đang hoàn thiện pho tượng Phật Di Lặc bằng gỗ mít - Ảnh Phương Hà

 Biệt tài trời phú

Chúng tôi đến cơ sở điêu khắc của anh Lê Minh Lực (45 tuổi, Chủ cơ sở điêu khắc Minh Lực, ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương, H.Phú Quốc, Kiên Giang) lúc anh đang chăm chút đẽo, gọt tỉ mỉ để hoàn tất công đoạn cuối cùng cho pho tượng Phật Di Lặc. Pho tượng cao khoảng 1,2 m được chạm trổ từ gốc cây mít lớn vẫn còn nguyên bộ rễ. Điểm nhấn của pho tượng là khuôn mặt phúc hậu, nụ cười lạc quan của đức Phật cùng với những biểu tượng của giàu sang phú quý như thỏi vàng, chuỗi tiền đồng…

Nhìn cách anh đục, chạm điêu luyện, không ai ngờ rằng anh đang sáng tác hoàn toàn bằng khả năng thiên bẩm và trí tưởng tượng phong phú của mình, đơn giản vì anh là người hoàn toàn mù chữ và chưa từng được ai truyền nghề. Anh Lực kể: “Hồi nhỏ, cuộc sống tôi khổ lắm, ba mẹ cố gắng cho đến trường nhưng chẳng hiểu sao học hoài vẫn không vô. Rồi tôi bỏ học đi làm thuê nên không biết chữ”.

Mù chữ nhưng bù lại từ khi còn nhỏ, anh Lực đã bộc lộ một khả năng đặc biệt là làm tượng, đồ chơi bằng đất sét và gỗ rất đẹp. Mỗi ngày, cậu bé Lực say sưa với khả năng đặc biệt của mình. Đam mê cứ thế lớn theo Lực một cách tự nhiên như bản năng. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình khó khăn lại không được ai định hướng nên chưa bao giờ Lực nghĩ mình sẽ trở thành thợ điêu khắc.

Mãi đến năm anh Lực 33 tuổi, khi đang làm thuê, một người chủ tốt bụng thấy anh có năng khiếu điêu khắc đã tặng một bộ đồ nghề: cưa, đục, khoan để thử tài. Không ngờ, chỉ sau 4 ngày, anh Lực đã làm xong tượng Nguyễn Trung Trực cao 0,9 m, tác phẩm được nhiều người khen ngợi bởi phong thái uy nghi của cụ Nguyễn. Sau đó, pho tượng này được anh Lực tặng cho đền thờ cụ Nguyễn (xã Gành Dầu, H.Phú Quốc). Hiện nay, pho tượng vẫn được người dân Phú Quốc thờ tự trang nghiêm.

Có được bộ đồ nghề trong tay, anh Lực tiếp tục say sưa tạc tượng hơn. Anh băng rừng, lội suối để tìm những gốc cây ưng ý đem về rồi lại miệt mài đục, đẽo. Những pho tượng Phật, người, rồng, phượng… cứ thế ra đời bằng đôi tay khéo léo của anh.

Nhập tâm vào gỗ

Có một điều khá lạ là anh Lực thường tạc tượng vào đêm khuya. Anh Lực bảo: “Tôi thấy chỉ khi mọi người đi ngủ tôi mới có thể tịnh tâm tạc tượng theo ý mình và thường là mê mẩn tạc tượng trắng đêm”. Mỗi khi bắt đầu công việc, anh Lực thường ngồi thiền hàng giờ trước khúc cây. “Tôi ngồi đó và tập trung vào khúc gỗ, hình dung về pho tượng đến khi nào hình ảnh pho tượng in vào đầu rồi mới bắt đầu làm. Lúc này, việc còn lại giống như làm theo khuôn”, anh Lực chia sẻ. Anh Lực cho biết anh mê nhất là tạc tượng Phật. Hiện có nhiều pho tượng do anh tạc được nhiều chùa thỉnh về thờ, trong đó có những chùa nổi tiếng như chùa Hộ Quốc (Phú Quốc), chùa Phật Học (Cần Thơ)…

Mỗi pho tượng anh Lực tạc là một hình ảnh tưởng tượng riêng nên không pho tượng nào giống pho tượng nào. Nhờ sự độc đáo ấy mà tác phẩm của anh làm ra không kịp để giao cho khách hàng. Không chỉ tại Phú Quốc mà rất nhiều khách du lịch ở các nơi như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương đến Phú Quốc là tìm đến cơ sở của anh Lực để mua tượng.

Ngoài những tượng mang tính tâm linh, anh Lực còn sáng tác những pho thương thiếu nữ khỏa thân, bán khỏa thân với đường cong cơ thể, khuôn mặt, mái tóc, dải lụa… mềm mại trông như người thật. Ông Trịnh Công Phát, Chủ doanh nghiệp rượu Sim sơn ở Phú Quốc, cho biết: “Tôi thích tượng do anh Lực điêu khắc vì nó hoàn toàn tự nhiên, chẳng theo khuôn mẫu nào. Đặc biệt là thần thái của các pho tượng thể hiện ở khuôn mặt, đôi mắt, khóe miệng và cả sự cân đối về bố cục của tượng. Những điểm này anh Lực đều thể hiện xuất sắc nên tôi không tiếc khi bỏ cả tỉ đồng sưu tầm tượng về cửa hàng của mình cho khách tham quan”. 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lực cho biết, điều anh quan tâm nhất hiện nay là truyền nghề cho cậu con trai hơn 20 tuổi. Còn lâu dài, anh đang dần biến khu đất 5 công của mình thành một khu trưng bày tượng Phật bằng gỗ do anh điêu khắc. Khu đất sẽ có những căn nhà để phật tử ở tu miễn phí và những ai cơ nhỡ có thể làm chốn nương thân.        

Phương Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.