Xóm trọ được nhiều người bán vé số thuê ở trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân, TP.HCM) là nơi ở của nhiều hoàn cảnh kém may mắn nhưng trong những ngày nắng nóng này họ càng thêm khổ.
Có người bị khuyết tật phải di chuyển bằng xe lăn, người không nhìn thấy ánh sáng, người có tay không được lành lặn… Tất cả họ đều thuê những phòng trọ chật hẹp, nóng bức để tiết kiệm chi phí, có chỗ nghỉ ngơi sau thời gian lặn lội ngoài đường. Họ chọn công việc bán vé số vì phù hợp với tình hình sức khỏe và có thu nhập hàng ngày.
Những ngày TP.HCM nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên tới hơn 40oC, công việc của họ càng trở nên vất vả. Nhiều người đi bán dạo phải di chuyển liên tục nhiều giờ liền dưới thời tiết nắng như đổ lửa. Phòng trọ của họ nóng không khác gì ngoài đường vì chật hẹp, chất chứa đồ đạc sinh hoạt của nhiều thành viên.
12 giờ trưa, bà Trần Thị Kim Liên (69 tuổi) tất bật chuẩn bị bữa cơm để chờ cháu gái học lớp 6 về ăn. Chồng bà mắt không thấy đường nhưng ngày ngày vẫn phải đi bán vé số để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Bà cũng đi bán vé số từ 13 giờ chiều, vợ chồng dành dụm mong đủ ăn và đóng tiền học cho cháu.
Bà tự nhận bản thân là người chịu nóng khá giỏi nhưng những ngày này cũng choáng váng vì vượt quá sức chịu đựng. Trời nóng nhưng bà thường xuyên thấy trong người bị ớn lạnh. Dù vậy, bà cũng không dám nghỉ bán vì sợ không có tiền.
"Ác cái tôi phải đi bán vào giờ trưa, nóng dữ lắm, không có năm nào giống năm nay. Tôi mang vớ, bao tay, khẩu trang nhưng cũng không chống lại được cái nóng. Mỗi ngày tôi đi bộ hơn 10 km giữa trời nắng, lắm lúc cảm giác kiệt sức, mặt tái mét vì say nắng", bà Liên cho biết.
Công nhân làm đường dưới nắng nóng kỷ lục: ‘Làm 30 phút là đứng thở’
Nắng đến nỗi không có người ra đường nên khách mua vé số rất chậm. Bà biết dân lao động vất vả nên đành chấp nhận, ra đường đi bán bất chấp trời nắng mưa.
"Giàu không bao nhiêu nhưng nghèo thì nhiều nên phải ra đường kiếm tiền. Hồi xưa tôi sợ mùa mưa bán ế nhưng hiện tại ao ước đến thật nhanh vì nóng không chịu nổi. Tôi cũng ngủ không được vì phòng hầm hập từ sáng đến tối. Buổi tối ông xã bắc ghế ra ngoài cửa ngủ vì trong phòng chật hẹp, nóng bức", bà Liên nói.
Bà Phạm Thị Loan (45 tuổi, quê ở Tây Ninh) lên TP.HCM khoảng 2 năm nay. Dù mắt không nhìn thấy đường nhưng hằng ngày vẫn thuê xe ôm đến điểm bán vé số. Người phụ nữ bị cườm nước từ khi 31 tuổi, đã phẫu thuật giữ lại mắt nhưng không thể thấy được ánh sáng. Mẹ con bà thuê căn phòng chưa đến 10 m2 để sinh hoạt, mùa nắng không thể ngủ trưa vì quá nóng.
"Tôi chọn đi bán từ lúc 16 giờ chiều để chống lại cái nóng. Con trai thường xuyên ở trên gác xép học bài, tôi dặn con xuống sàn cho mát nhưng vì ở trên đó yên tĩnh nên con không xuống. Mùa này ở gác xép không khác gì chảo lửa", bà Loan trải lòng.
Em Võ Tuấn Kiệt (20 tuổi, sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM), con trai bà Loan chấp nhận ở trên gác xép vừa tối vừa nóng để học bài. Phòng trọ nhỏ nên khu vực gác xép độ nóng tăng lên gấp bội. Em biết sự vất vả của mẹ, hoàn cảnh của gia đình nên không đòi hỏi gì nhiều, hàng ngày đi gần cả tiếng lên trường học và làm thêm để phụ mẹ trang trải chi phí.
"Ở trong phòng quá nóng nhưng chỉ có mỗi chiếc quạt nhỏ nên không thấm vào đâu. Vì ít có tiết học ở trường nên em không chọn ở lại thư viện hay đến lớp vào mùa này. Em chỉ còn cách chịu nóng, mồ hôi chảy ròng khi học bài", Kiệt nói.
Anh Lê Ngọc Quân (38 tuổi, quê ở Cần Thơ) chiên dĩa cá khô, nấu tô canh rau để ăn bữa trưa sau hơn 6 tiếng bán trái cây ngoài trời nắng. Dù khó nuốt nhưng để tiết kiệm chi phí cho con đi học và trả tiền nhà, điện nước, anh cố ăn. Mùa nắng, công việc của anh càng trở nên vất vả khi ở ngoài đường nhiều giờ liền.
"Những năm trước trời còn đỡ nhưng giờ nắng nóng kinh khủng, rát da tay luôn. 12 giờ trưa tôi về ăn vội chén cơm để kịp giờ bán buổi chiều. Tôi phải đem theo bình hai lít nước để uống cho đỡ khát, không dám ghé quán nước xung quanh vì không có tiền", anh Quân nói.
Bình luận (0)