Người tiêu dùng có thật sự hiểu biết về các sản phẩm tăng lực hàng nhái?

21/12/2020 20:00 GMT+7

Trước sự tung hoành ngang dọc trên thị trường của hàng loạt sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ chính mình?

Nhiều năm nay, dù các nhà sản xuất thuộc ngành hàng thực phẩm, đồ uống “kêu trời” vì mất thị phần, giảm doanh thu do sự tồn tại của các đơn vị sản xuất hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng vẫn còn chủ quan và chưa hiểu rõ cách phân biệt thật - nhái rõ ràng, dẫn đến việc hàng không chính hãng hoành hành mạnh mẽ hơn, nghiễm nhiên ngự trên kệ hàng ở rất nhiều tiệm tạp hóa, mà Red Bull là một ví dụ điển hình.

“Dê cụng”, “hươu cụng” bày bán công khai

Là một sản phẩm nước tăng lực được người Việt, đặc biệt được cánh mày râu ưa chuộng gần 20 năm nay, Red Bull nhiều năm qua đã trở thành một trong những thương hiệu bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu nhiều nhất. Nếu dạo quanh hầu hết cửa hàng tạp hóa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dễ dàng bắt gặp hàng thùng sản phẩm nước tăng lực nhái Red Bull được bày bán rộng rãi cho người tiêu dùng. Các sản phẩm này có thiết kế, màu sắc giống đến 90% so với Red Bull thật, thậm chí mới nhìn qua, người tiêu dùng có thể không biết đây là sản phẩm được làm nhái. Mức độ nhái tinh vi, không chỉ tương đồng về mẫu mã mà mùi vị sản phẩm khi uống cũng “hao hao” sản phẩm chính hãng.
Chị Vũ Mai, chủ tiệm tạp hóa tại huyện Tri Tôn, An Giang, một trong những nơi các sản phẩm nước tăng lực được bày bán phổ biến, cho biết: “Dân ở đây rất ưa chuộng thức uống này. Mà Red Bull thật có giá thành cao hơn nên các sản phẩm “hao hao” giống vậy thường được nhiều khách lựa chọn, đặc biệt là cánh đàn ông đang làm công việc lao động”.

Người tiêu dùng có phần chủ quan

Thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn chủ quan, vô tư sử dụng loại hàng nhái này một cách thường xuyên. Một phần do nhận thức của người người tiêu dùng về vấn đề vi phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu còn chưa cao, không nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái. Anh Xuân Trung, một công nhân nhà máy cho biết, do công việc của anh khá vất vả, mỗi buổi trưa anh thường ra tạp hóa đầu đường mua lon “bò cụng” về uống để giữ tinh thần tỉnh táo. Ban đầu, anh được chủ cửa hàng hỏi uống bò cụng “loại thường” hay “loại xịn”, anh chỉ chọn loại thường vì giá rẻ hơn và nghĩ chắc cùng công ty sản xuất.
Tuy nhiên, cũng không ít người biết sản phẩm Red Bull có hàng nhái nhưng không nhận biết được nên tặc lưỡi cho qua. Anh Quốc Linh, ngụ tại Long An chia sẻ, anh có nghe nói các sản phẩm “hươu cụng” hàng nhái nhưng vì nhìn bề ngoài lẫn vị khi uống khá giống nên có những hôm anh uống hết rồi mới biết. Hay như anh Nhật Hào, dù uống nước tăng lực “bò cụng” rất thường xuyên nhưng anh cũng chưa từng quan tâm đến sự tồn tại song song của hàng thật - hàng nhái vì chỉ uống để thỏa mãn nhu cầu giải khát thông thường.

Những dấu hiệu nhận biết nhanh bằng mắt thường

Đại diện TCPVN, công ty chủ quản của thương hiệu nước tăng lực nổi tiếng Red Bull cho biết công ty khá đau đầu khi giải quyết bài toán hàng nhái, vì mức độ sao chép của hàng nhái ngày một tinh vi và phức tạp. Tuy vậy, vẫn có một số cách để phân biệt các sản phẩm nhái Red Bull trên thị trường để người tiêu dùng có được lựa chọn chính xác hơn.
Chẳng hạn, với sản phẩm chính hãng, khoen lon có màu đỏ, đục lỗ hình một chú bò tương tự như logo. Đây là công nghệ làm khoen hiện đại mà chỉ có thể tìm thấy ở lon Red Bull thật sự. Với sản phẩm nhái, khoen lon chỉ có màu đỏ thông thường.
Thứ hai, về màu sắc, Red Bull nhái có màu vàng sậm hơn, hình 2 con bò đang húc vào nhau của sản phẩm chính hãng được thay bằng hai con dê, khối cầu giữa hai con bò được thay bằng hình khối khác.
Cuối cùng và cũng là chi tiết quan trọng nhất chính là logo và tên gọi của sản phẩm: Red Bull với màu xanh trơn được in ngay chính giữa thân lon. Đồng thời, bên dưới là dòng chữ “KRATINGDAENG 250” được thể hiện trên một dải nền màu xanh, tạo nên một tổng thể hình ảnh nhãn hiệu Red Bull quen thuộc. Đặc điểm này khác hoàn toàn với các sản phẩm ăn theo trên thị trường với màu sắc tương tự mà người tiêu dùng hay gọi là “hươu cụng”…
Như vậy, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoành hành, mỗi người tiêu dùng cần phải “vào cuộc” để chính mình trở thành những “người tiêu dùng thông thái”, hãy “thủ sẵn” những kiến thức phân biệt đâu là Red Bull chân chính để bảo vệ bản thân khi trực tiếp sử dụng sản phẩm có vẻ ngoài tương tự trên thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.