Sự bảo hộ quá mức của nhà nước đối với ngành sản xuất đường khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi - Ảnh: H.Việt |
Đường bị làm giá
Từ cuối năm trước đến nay, giá đường luôn đứng ở mức trên 20.000 đồng/kg. Dù năm nay nhiều thời điểm lượng đường tồn kho trong nước khá cao, nhưng giá đường bán lẻ vẫn không giảm. Hiện nay vụ mía đường mới trong nước đã bắt đầu, lượng đường các nhà máy bán ra từ ngày 11.7 - 15.8 là 144.900 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 23.100 tấn. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15.8 là 149.700 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 23.100 tấn. Lượng đường các đơn vị đã mua nhưng còn gửi tại kho nhà máy khoảng trên 50.000 tấn. Như vậy có thể thấy đường không thiếu nhưng giá đường vẫn tăng lên.
Mặc dù Hiệp hội Mía đường VN hồi tháng 6 đã tính toán giá bán đường ở mức 18.000 đồng/kg là đã có lãi nhưng thực tế giá đường trong tháng qua đã tiếp tục tăng từ 500-1.000 đồng/kg, giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho nhà máy phổ biến từ 19.000-19.500 đồng/kg. Trên thị trường bán lẻ, giá đường cũng ở mức 23.000-24.000 đồng/kg.
Điều đáng lo là do lượng đường luân chuyển cuối vụ ít đi nên dễ xảy ra sốt giá vào tháng 10, 11 và xuất hiện các hiện tượng đầu cơ và đẩy giá đường lên cao. Với việc bán đường giá cao, cộng thêm tình trạng đầu cơ tích trữ trên thị trường, người tiêu dùng đang phải chịu thiệt. Thời điểm cuối năm luôn là cao điểm tiêu thụ đường, lúc đó việc kềm giá mặt hàng này sẽ là điều rất khó.
Vì sao không nhập đường lúc giá rẻ?
Tiếp tục kiến nghị không nhập đường Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường VN lại một lần nữa thống nhất sẽ kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT không cấp phép nhập khẩu đường cho năm tới. Theo ông Nguyễn Thành Long, cơ sở để đưa ra đề xuất này là dựa trên diện tích, năng suất mía từ các địa phương niên vụ 2011 - 2012 đều tăng hơn năm ngoái. Do đó, dự kiến sản lượng đường cả nước trong năm tới sẽ đạt gần 1,4 triệu tấn, tăng 250.000 tấn so với vụ trước, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu yêu cầu này được đáp ứng thì thị trường đường bị mất sự đối trọng, tiếp tục bị chi phối bởi các nhà máy đường, sự bất lợi luôn thuộc về người tiêu dùng. |
Sau khi nhận được sự hậu thuẫn này, các nhà máy lại xuất bán đường qua Trung Quốc, tạo áp lực tăng giá đường trong nước. Để ngăn chặn giá đường tăng cao, Bộ Công thương đã đồng ý cho nhập khẩu đường trở lại theo quota đã cấp. Nhưng có lẽ việc nhập khẩu đường trở lại trong lúc này đã không còn hiệu quả. Bởi lẽ vào lúc giá đường thế giới đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng, thì chúng ta lại ngừng nhập khẩu. Đến bây giờ giá đường thế giới ở mức cao, việc nhập khẩu để kềm chế giá trong nước sẽ vô ích.
Hiện giá đường thế giới ở mức 770 USD/tấn cộng thêm chi phí vận chuyển, phân phối thì giá đường cập cảng VN vào khoảng 960 USD/tấn, tức là còn cao hơn cả giá bán đường trong nước.
Theo dự báo của Tổ chức Đường thế giới (ISO), niên vụ 2011-2012 sản xuất đường thế giới sẽ phục hồi và thặng dư ở mức 4 triệu tấn, chủ yếu từ các nước Thái Lan, Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên số thặng dư này sẽ bị ngốn mất để bù đắp cho nguồn dự trữ đã sụt giảm ở Trung Quốc, Indonesia… Riêng Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn đường trong niên vụ 2011 - 2012. Do vậy, dự báo giá đường thế giới sẽ khó mà giảm.
Quang Thuần
Bình luận (0)