Lâu nay, hầu hết người tiêu dùng (NTD) vẫn rất “hồn nhiên” hoặc không hề quan tâm khi sử dụng thực phẩm có chất tạo màu (CTM). Thực tế không phải CTM nào cũng hoàn toàn vô hại đối với NTD.
Hiểu về chất tạo màu
Trong chế biến thực phẩm nói chung, nước uống nói riêng, CTM được dùng để làm cho thực phẩm hoặc đồ uống lấy lại các màu sắc bị mất trong quá trình sản xuất chế biến hay làm cho thực phẩm, nước uống trông bắt mắt hơn. Có hai loại CTM màu là màu tổng hợp (còn gọi là màu nhân tạo) và màu tự nhiên. Theo các chuyên gia thực phẩm thì CTM tự nhiên được chiết tách từ cây, hoa, củ̉, hạt nên gần như không độc hại, an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, CTM tự nhiên vẫn ít được các nhà sản xuất sử dụng trong chế biến thực phẩm, nước uống vì nó có giá thành cao hơn CTM tổng hợp lại khó hòa tan trong nước, dễ phai màu. Trong khi đó, CTM tổng hợp là các hợp chất được tạo thành nhờ phản ứng hóa học thì màu sắc đẹp, khó phai màu, dễ hòa tan trong nước, giá lại rẻ gấp nhiều lần nên nó được sử dụng phổ biến để tạo màu trong ngành thực phẩm.
Lời cảnh báo CTM trong nước giải khát
Từ năm 2007, tạp chí y học rất nổi tiếng của Anh là The Lancet đã công bố một nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa các CTM nhân tạo với những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe NTD. Trung tâm khoa học Vì lợi ích cộng đồng (CSPI) - một tổ chức giám sát phi lợi nhuận tại Mỹ - cũng từng yêu cầu
Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) ban hành lệnh cấm đối với 3 CTM có tên: Red 40, Yellow 5 và Yellow 6 vì nó có thể gây tổn hại sức khỏe. Cách đây không lâu, tại thị trường Trung Quốc, một loạt nước giải khát phát hiện có Ponceau 4R (ký hiệu E 124), một CTM có thể gây hại cho người sử dụng. Ponceau 4R nằm trong danh sách cấm sử dụng của FDA. Nó còn được coi là một trong những tác nhân dẫn đến bệnh ung thư, tác động xấu hơn với các bệnh nhân hen suyễn hoặc dị ứng với Aspirin.
|
Mới đây nhất, NTD toàn thế giới thật sự rúng động bởi công bố từ CSPI rằng, CTM có tên là 4-methylimidazole (4-MEI) có khả năng gây ung thư. CSPI khẳng định, 4-MEI chính là “thủ phạm” làm hàng ngàn người Mỹ bị ung thư và hàng triệu người khác phải đối diện nguy cơ này. Mặc dù, Hiệp hội Đồ uống Mỹ cho rằng công bố của CSPI không đủ cơ sở khoa học, tuy nhiên, NTD dường như cũng bắt đầu e dè hơn trong việc sử dụng sản phẩm có chất này.
Đừng “hồn nhiên” với CTM
Thực tế là rất nhiều NTD Việt nghĩ rất đơn giản về CTM. Không ít người cho rằng sản phẩm nào đó phải đương nhiên có màu như vậy thì mới đúng là sản phẩm ngon, chính hiệu. Thị trường nước giải khát công nghiệp ở Việt Nam ngày càng “đa sắc” hơn với nhiều loại nước giải khát được tạo màu rất “đẹp” như: đỏ, xanh, cam, nâu… Màu sắc đẹp và đa dạng của nước uống không chỉ quyến rũ mạnh mẽ trẻ con hồn nhiên ngây thơ, mà người lớn cũng dường như thấy bắt mắt hơn. Song, đằng sau “vẻ đẹp” màu sắc của nước giải khát, NTD nên tỏ ra sáng suốt. Bác sĩ Nguyễn Tấn An cho biết: “Một số CTM sử dụng trong công nghiệp chế biến có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe NTD. Đặc biệt, những CTM trôi nổi có xuất xứ từ Trung Quốc có thể biến thành loại nước giải khát với công thức CTM + đường hóa học + nước + hương liệu rất tai hại khi sử dụng. Để yên tâm hơn, bạn nên hạn chế sử dụng nước giải khát có màu sắc, tăng cường sử dụng các sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc từ thiên nhiên, hoặc có màu thì màu hoàn toàn tự nhiên”. Giám đốc điều hành CSPI, Michael Jacobson, cũng từng cảnh báo: Những CTM nhân tạo hoàn toàn không làm gia tăng chút nào giá trị dinh dưỡng hay sự an toàn của thực phẩm. Mà ngược lại, một số CTM có thể là nguyên nhân phát sinh một số bệnh tật…
Tuy nhiên, NTD cũng không nên quá “ bất an” trước những sản phẩm thức uống có màu, bởi nhiều sản phẩm có màu do các thương hiệu Việt có uy tín được các cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận Thương hiệu quốc gia thì chất lượng và sự an toàn được đảm bảo, nhất là những nhãn hàng sản xuất từ thảo mộc tự nhiên.
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng thông minh cho chuyên mục và gửi về hộp mail: nguoitieudungthongminh@thanhnien.com.vn. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay sẽ nhận được một phần quà từ nhà tài trợ Tân Hiệp Phát. |
Ý kiến người tiêu dùng Trong cuộc sống hiện đại với hàng hóa đa dạng, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn thì cần phải thắt lưng buộc bụng, hoặc phải cân nhắc, đắn đo hơn khi mua sản phẩm nào đó. Học hỏi kinh nghiệm của những bà nội trợ quả không thừa. Nhờ các bà nội trợ chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm hợp lý thông qua ý kiến người tiêu dùng trên chuyên mục Người tiêu dùng thông minh mà tôi có thể tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả, hoặc mua được hàng hóa chất lượng tốt. (nguyenthikimhoan66@yahoo.com.vn) Đừng để ra chợ, đến siêu thị hoặc cửa hàng… rồi mới tính toán mua cái gì. Muốn mua sắm hợp lý, bà nội trợ phải lên kế hoạch ngay từ nhà. Có thể tham khảo giá cả trên mạng để chọn nơi bán hàng tốt nhất. Tôi rất thích “tám” với chị em trên mạng về chuyện mua sắm. Thông qua những diễn đàn mua sắm tôi có thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích. Chị em nhà mình cũng có thói quen đi chợ hay siêu thị thì thấy cái gì cũng muốn mua. Bởi vậy, mang theo tiền nhiều, chị em không cưỡng được thú mua sắm. Kinh nghiệm của tôi là mang tiền vừa đủ để sắm những thứ mình đã lập kế hoạch sẵn thôi. Phan Thị Như Thảo (204/6C Lạc Long Quân, P.8, Q.Tân Bình) |
Kiến thức về màu thực phẩm Bạn nên tránh hoặc hạn chế mua các loại thực phẩm có các chất tạo màu sau đây: Red 3 (còn có tên Erythrosine), Red 40 (còn có tên là Allura Red AC), Yellow 5 (còn có tên Tartrazine), Yellow 6, Blue 1, Blue 2 (còn có tên Indigotine), Green 3, Orange B. Nên mua các thực phẩm như sữa chua, phô mai, nước quả, nước vitamin ở dạng không màu. Một số màu tự nhiên có thể dùng chế biến thực phẩm an toàn: Màu đỏ làm từ nước củ cải đường, quả gấc, hạt điều. Trái bơ, với màu xanh, bột mịn, rất thích hợp để tạo màu xanh cho bánh kem hoặc các món ăn khác. Lá dứa cũng là một lựa chọn tốt khi bạn muốn có màu xanh. Màu vàng dùng nghệ hoặc hoa huệ tây hoặc màu từ các thảo mộc thiên nhiên khác... Thiên Thảo |
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)