Người tình “ôsin”

02/08/2011 12:35 GMT+7

Không ít bạn gái trẻ nghĩ rằng yêu thì phải lo mọi việc cho người yêu để rồi tự biến mình thành ôsin và giá trị bản thân ngày càng giảm.

Từ ngày dọn về sống chung với Việt, bạn trai học cùng trường, Lan (sinh viên ngành quản trị kinh doanh, ở quận 3 - TPHCM) trở thành người nội trợ đảm đang.

Giúp việc không lương

Buổi sáng, trước khi đi làm, Lan dậy sớm chuẩn bị điểm tâm, pha cà phê và ủi cho Việt bộ quần áo phẳng lì. Sau giờ học, Lan tất tả đi chợ rồi như một chiếc máy, Lan xoay vần trong mớ công việc không tên. Về nhà, Việt điềm nhiên nằm xem ti vi chờ người yêu dọn cơm. Ăn xong, Việt nhảy lên máy tính chơi game, còn Lan lui cui dọn dẹp, rửa chén. Lan xem đó là công việc, là bổn phận của mình, cứ cặm cụi làm và chẳng màng đến lời khuyên can của bạn bè.

Không sống chung với bạn trai như Lan, Nguyệt làm thợ cắt tóc nên giờ giấc cũng thoải mái, cô thường xuyên lui tới nhà người yêu ở quận 5- TPHCM làm việc nhà không công để lấy lòng gia đình của Đạt, người mà Nguyệt xem như chồng tương lai. Thấy Nguyệt thường xuyên tự “gánh” việc lau nhà, rửa chén, giặt đồ, 4 chị em gái của Đạt vô tư để hết mọi việc cho Nguyệt.

Những ngày cuối tuần hay những khi nhà Đạt có giỗ chạp, Nguyệt đều đến giúp. Cô xuống bếp làm miệt mài. Sau khi mọi người chén tạc chén thù xong, Nguyệt lại hì hụi dọn rửa đống chén bát, xoong chảo cao như núi.

Vỡ mộng

Lối suy nghĩ của Lan và Nguyệt không chỉ tự khiến mình bị bóc lột mà còn tập cho người yêu thói quen hưởng thụ và tính ích kỷ. Do quen được người yêu phục vụ chu đáo mọi việc nên dù đi học về sớm, Việt cũng không bao giờ đụng tay vào bất cứ việc gì. Thế nhưng, Lan vẫn cố gắng chịu đựng vì nghĩ rằng khi cưới rồi Việt sẽ chững chạc lên và dần thay đổi. Thế nhưng… cưới gần nửa năm mà mọi việc lớn nhỏ trong nhà, Việt đều chờ Lan.

Những hôm bận việc công ty, trời tối hẳn, Lan mới về đến nhà. Bụng đói nhưng khi Lan vào bếp thì nồi cơm điện trống không. Việt nằm dài đọc báo trong phòng ngủ,  nói với ra với Lan: “Em ra đầu xóm xem có gì ngon ngon mua về ăn, anh đói lung rồi”. Có hôm bị bệnh, Lan cũng phải ngồi dậy nấu chén cháo nếu không thì… Việt ra xe cháo huyết trong xóm mua cháo không lấy huyết về cho Lan! u đó là thói quen Lan đã “rèn” cho Việt từ những ngày còn yêu nhau vì đã không bao giờ nhắc người yêu cùng chia sẻ việc nhà.

Còn Nguyệt, hơn 4 năm yêu nhau, gần như ngày nào cô cũng đến nhà Đạt phục dịch mọi người. Khi Nguyệt về, không ít lần em gái Đạt còn bảo: “Từ ngày anh Đạt quen chị ấy, nhà khỏi phải thuê ôsin”. Đạt cũng tỏ ra rẻ rúng Nguyệt. Mỗi lần áo sơ mi nhăn hay đôi giày đen chưa bóng, anh lại lớn tiếng la rầy cô…
Đổ bao công sức để chinh phục Đạt và gia đình nhưng cuối cùng Nguyệt phải ra đi. Đạt cứ lần lữa mãi chuyện cưới xin và mới đây, “bỗng dưng”… Đạt có người yêu mới. Thế nhưng, Nguyệt không nói được lời nào, đành để Đạt rũ áo ra đi vì cô đã tự nguyện cúc cung tận tụy với Đạt và gia đình anh. Giờ cô chỉ biết trách giận mình đã quá khờ khạo.  

Phải bình đẳng, cùng chia sẻ

Chăm sóc, lo lắng cho người yêu nhằm thể hiện tình cảm, giúp củng cố và vun đắp tình yêu. Khi người yêu quá bận ôn thi hoặc cấp tập hoàn thành công việc được giao…, có thể choàng gánh mọi việc để động viên, giúp đỡ nhưng nếu thái quá sẽ gây phản ứng ngược. Nếu không khéo hành xử thì người vợ/người yêu đảm đang sẽ trở thành người giúp việc không lương. 

Ngay từ thời yêu nhau, các lứa đôi không chỉ phải tôn trọng, yêu thương nhau mà còn phải bình đẳng, cùng bàn bạc các vấn đề trong cuộc sống và cùng chia sẻ mọi việc... Khi đã là vợ chồng, càng phải ý thức và khéo léo kéo nửa kia cùng chia sẻ mọi việc, kể cả việc nhà, để thành công và hạnh phúc như câu “Đồng vợ, đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Thanh Mai
(Công ty Tư vấn tâm lý A.V.S)

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.