Theo tờ trình về dự án luật Tố cáo (sửa đổi) của Tổng thanh tra Chính phủ, trong những năm qua, cơ quan nhà nước chỉ mới giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó có 59,3% là tố cáo sai. Vì vậy, nếu luật quy định thêm việc giải quyết đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thực tế không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập, trong khi việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Vì thế, nhiều người gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật không ghi họ tên, địa chỉ của mình.
Ông Vũ Thanh Bình, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, cho rằng cần giữ nguyên quy định như luật hiện hành về hình thức tố cáo phải bằng đơn có ký tên (hay điểm chỉ) hoặc tố cáo trực tiếp của người tố cáo. Để khắc phục tình trạng người tố cáo bị trả thù, trù dập thì luật cần phải có quy định rõ ràng và cụ thể hơn. Ông Bình cũng đề nghị luật cần ràng buộc, đưa ra các biện pháp chế tài đối với những người tố cáo sai sự thật. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Ban Tiếp công dân TP.HCM, cũng cho rằng việc tố cáo cần phải có danh và có chữ ký của người tố cáo, tuy nhiên nếu đơn tố cáo nặc danh hoặc thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng… có nội dung, sự việc cụ thể, đưa ra các dẫn chứng rõ ràng thì cơ quan chức năng cũng nên xem xét.
Về thời hiệu tố cáo, ông Châu Vĩ Tuấn, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị đối với những vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước, vi phạm về quản lý nhà nước… thì không cần quy định thời hiệu. Nhưng đối với những vụ việc đơn lẻ, cá biệt thì cần phải quy định thời hiệu tố cáo cụ thể để thuận lợi cho việc giải quyết. Ông Trần Đình Trữ, Phó chánh thanh tra TP.HCM, nhận định: Bộ luật Hình sự còn quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì luật Tố cáo cũng phải quy định thời hiệu tố cáo, tránh việc tố cáo những vụ việc đã xảy ra quá lâu, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Các đại biểu cũng đề nghị cần phải quy định cụ thể nguyên tắc và thẩm quyền thi hành cưỡng chế quyết định giải quyết tố cáo, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Cùng ngày 10.4, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng tổ chức thảo luận dự thảo luật Bảo vệ và phát triển rừng; luật Thủy sản (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng cần chia làm hai loại là rừng bảo tồn và rừng kinh tế để phù hợp với thông lệ thế giới. Đối với dự thảo luật Thủy sản (sửa đổi), nhiều ý kiến nhấn mạnh thủy sản cần phải được bảo vệ và có chiến lược phát triển bền vững.
Bình luận (0)