Chúng ta đang lãng phí quá nhiều ?
|
Thư nói: “Đây là sách cũ bao nhiêu năm, cứ mua về đọc xong một lần là mình lại để lên kệ, kệ đầy quá rồi vứt khắp nơi. Nhưng giờ mình nhận ra, chỉ vì thói quen mua sách vô tội vạ, nhiều khi mua về chẳng đọc vì không có thời gian. Chưa đọc hết cuốn này đã mua cuốn khác về, rồi có khi đọc xong thấy tiếc lại tích trữ, và vì thế mà vô tình mình đang lãng phí rất nhiều nguồn sách”. Thư cho biết bản thân đang tập làm quen với lối sống tối giản “để tinh gọn cuộc sống hơn và nói không với lãng phí”. Thư cũng cho biết, cô có cả một nhóm bạn với 6 thành viên, mỗi ngày cùng thử thách nhau để tập thói quen tinh giản những thứ không cần thiết, những nhu cầu mà các bạn cho rằng thừa thãi.
Cũng chọn cho mình lối sống tối giản, Tống Khánh Linh (nữ doanh nhân 9X, cựu sinh viên Trường ĐH Macquarie, Úc), chia sẻ: “Mình quan tâm đến tối giản, vì trong tối giản có sự vừa đủ. Bởi lẽ, chúng ta lãng phí nhiều hơn, mất cân bằng hơn từ bên trong chính mình”.
Linh dẫn dụ: “Mình có chắc sẽ cần món đồ này? Đây là câu hỏi mà bản thân thường xuyên lặp đi lặp lại mỗi khi trong lòng đang trỗi dậy và mong muốn mua một món đồ nào đó. Vì cảm giác cầm món đồ mới lúc nào cũng làm con người ta hưng phấn. Nhưng nếu cứ mãi mua đồ và không có một lối sống phù hợp, sẽ mãi mãi không bao giờ có ngôi nhà gọn gàng và vừa đủ như chúng ta mong muốn”.
Sửa chữa và tái sử dụng
Theo Linh, đầu tiên phải hiểu rõ tối giản là gì, vì nhiều người thường lầm tưởng tối giản là loại bỏ hết những món đồ đang sở hữu. “Theo mình tối giản là cách chúng ta sắp xếp và bắt đầu cuộc sống với những gì chúng ta cần hơn là chúng ta muốn, chúng ta cảm nhận sự vừa đủ trong tâm trí và trong môi trường sống của chính mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có nhiều thời gian cho chính mình”, Linh giải thích.
Và một trong những cách mà Linh tập cho mình thói quen sống tối giản là sửa chữa và tái sử dụng. Chính vì thế, Linh thành lập nên phiên chợ “Lại đây mua đồ” với mong muốn tạo ra chuỗi sự kiện, giúp mọi người tạo thêm vòng đời mới cho những món đồ của mình, cùng trao đổi cho nhau những món đồ không còn cần đến nữa, để mang về những món đồ mình cần.
Linh còn phát động thử thách 30 ngày sống tối giản. Ở đây sẽ có những thủ thuật nhỏ mỗi ngày, giúp mọi người dễ dàng thay đổi thói quen. Như “ngày 1: sàng lọc, dọn tủ quần áo của bạn”, “ngày 2: bỏ ra những thứ không cần thiết trong túi xách, ba lô”, “ngày 3: không sử dụng thiết bị điện tử trong một ngày”… “ngày 9: tặng sách cũ của bạn cho người khác”…
Nói về lối sống tối giản của người trẻ hiện nay, cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng lối sống này là không biết hưởng thụ mà cứ phải bó mình, tiết kiệm và chi li quá với bản thân. Tuy nhiên, chị Phi Tuyết (chuyên gia sáng tạo nội dung phim tại Rose Film International, tác giả của nhiều cuốn sách truyền cảm hứng cho người trẻ), nhấn mạnh: “Người sống tối giản không phải là người không biết hưởng thụ, chẳng qua cách hưởng thụ của các bạn này đơn giản và khác biệt hơn. Thậm chí có thể hưởng thụ nhiều hơn vì không chỉ là vật chất mà còn biết hưởng thụ cả về tinh thần, tâm hồn. Sống tối giản không có nghĩa là tiêu xài tiết kiệm, chi li nhưng là tiêu xài thông minh, không phung phí và có tính toán hợp lý”.
Bình luận (0)