Học để thưởng thức
|
“Do bây giờ thịnh hành tân nhạc nên nhiều người nghĩ đờn ca tài tử khó chứ lúc học mới thấy kỹ thuật cũng không phức tạp mấy. Chỉ cần nắm được nhịp, phách, nốt là học được. Hơn nữa, người VN học cổ nhạc còn có lợi thế vì đây là nhạc viết cho người Việt. Nếu nói khó khăn, chắc là mạch cảm xúc của bài hát. Nhiều bài được sáng tác từ thời xưa, qua thời gian, có sự lệch pha với người trẻ nên khó tái hiện đầy đủ những gì nghệ sĩ sáng tác muốn gửi gắm”.
Cũng theo học khóa đầu tiên về ca cổ, Võ Nguyễn Phương Thảo (29 tuổi), nhân viên tư vấn quản trị cho McDonald’s, kể: “Em theo học cũng để thỏa mãn ý thích của bản thân. Hồi xưa giờ mình nghe hát thì biết vậy thôi nhưng đi học bài bản thì thấm hơn. Hiểu được cái hay của câu hát, sao khúc đó lại nhấn nhá như thế, rồi cũng hiểu thêm nhiều từ cổ trong bài hát có nghĩa gì. Từ hiểu được làn điệu, hiểu được bối cảnh lịch sử của câu chuyện thì càng khiến mình thêm yêu”.
Cũng đồng tình với Phương Thảo, Nguyễn Trường Sơn (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại Công ty cung cấp thiết bị Flycam) chia sẻ thêm: “Càng học thêm, mình mới thấy các ca từ, bài hát ngày xưa hay quá. Ca từ đẹp, có những bản nhạc vui mà phấn khởi, có những điệu vui nhưng nhẹ nhàng, có bản thì thể hiện nỗi buồn... Muốn hiểu đờn ca tài tử thì nên đi học”.
Gieo niềm tin về sức sống của âm nhạc dân tộc
Là người điều phối, kết nối giữa giáo viên và học viên, cũng thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn về đờn ca tài tử tại The Culturis Hub, Lục Phạm Quỳnh Nhi (22 tuổi) cho biết: “Mình và những người trong dự án Nhịp phách cổ kim khi tổ chức những chương trình về đờn ca tài tử vì yêu thích. Thấy nhiều bạn nghiêm túc muốn tìm hiểu thêm về đờn ca tài tử nên tụi mình tổ chức lớp học. Hiện nay, lớp cơ bản, các bạn sẽ học về những điệu cơ bản, nốt, biết ca. Sau khóa này, bên mình sẽ tổ chức thêm lớp nâng cao dạy các kỹ thuật, các bài khó hơn. Với những người tổ chức lớp học này, tụi mình chỉ nghĩ đơn giản thay vì học một mình thì chia sẻ với nhiều người quan tâm, yêu thích đờn ca tài tử thực sự. Nhờ thế, đờn ca tài tử của mình cũng có sức sống riêng”.
Cô Lý Thị Kiều Hạnh, 61 tuổi, giảng viên dạy đờn ca tài tử, cho biết: “Dạy các bạn trẻ khiến những giáo viên như chúng tôi cũng trẻ theo. Các em tuổi đời còn nhỏ nhưng thật sự đam mê, nghiêm túc với môn nghệ thuật truyền thống này”. Chính sự nghiêm túc theo học, sự đam mê của những bạn trẻ khiến cô Kiều Hạnh mỗi ngày đi gần 20 km từ Q.9 đến lớp dạy học.
Là một trong những sinh viên đầu tiên của khóa đầu dạy về nghệ thuật truyền thống của Trường trung cấp Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), thầy Nguyễn Văn Hưng cũng chia sẻ: “Tôi thấy các bạn ở đây đã gieo cho mình niềm tin về sức sống của đờn ca tài tử của VN. Một thời gian dài, những loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, đờn ca tài tử rất thịnh. Rồi sự du nhập của nhiều loại hình giải trí mới khiến thị hiếu của khán giả thay đổi. Tôi từng chuyển nghề, không theo các chuyến lưu diễn nữa mà trở về quê làm việc khác. Từ lúc đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2013 thì nhận được nhiều sự quan tâm hơn, cũng nhen nhóm sự hồi sinh của đờn ca tài tử. Năm nay 62 tuổi, tôi cũng thấy có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ trẻ nên đi dạy, ai muốn học thì tôi truyền thụ hết sức mình ”.
Bình luận (0)