Người trẻ kể các 'pha hành động' hấp dẫn khi vào vai Sơn Tinh - Thủy Tinh

Phạm Hữu
Phạm Hữu
28/04/2023 15:16 GMT+7

Hơn 24 năm qua, truyền thuyết vua Hùng kén rể cùng Sơn Tinh - Thủy Tinh đều đặn tái hiện trên sân khấu ở Khu du lịch Suối Tiên (TP.Thủ Đức), đằng sau những nhân vật cổ tích đó là sự góp mặt của nhiều lớp người trẻ.

Có lẽ chưa có vở diễn nào mà diễn viên đều trẻ, không chuyên, xen lẫn các pha hành động lại có tuổi đời trên sân khấu lâu đến vậy. Với nhiều người, vở diễn Sơn Tinh - Thủy Tinh này dường như đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ không thể nào quên.

24 năm với vở diễn về vua Hùng 

Nhớ lại thời kỳ đầu xây dựng vở kịch, võ sư Nguyễn Thành Sang (môn phái thiếu lâm Hồng Gia Hà Châu) không khỏi bùi ngùi xúc động. Ông cho biết sau khi nhận được lời mời dựng vở kịch từ lãnh đạo Khu du lịch văn hóa Suối Tiên ông có nhiều đắn đo. Bởi trong những đắn đo đó là việc làm sao để tái hiện lại được và đúng với truyền thuyết và các nhân vật cổ tích. Ông chỉ là võ sư, những đệ tử chỉ quen với tập võ, múa những bài quyền về võ học. Những hoạt động diễn xuất sân khấu hầu như chưa bao giờ biết tới. Tuy nhiên, sau đó ông đã cùng cố nghệ sĩ Thu Vân, cố võ sư Xuân Hiển cùng tiến hành xây dựng vở diễn.

Truyền thuyết về vua Hùng kén rể qua màn thể hiện của người trẻ - Ảnh 1.

Vở diễn về vua Hùng được các bạn trẻ tái hiện một cách sinh động

Dạ Thảo

Lấy tinh hoa võ cổ truyền của cha ông làm chủ đạo, rồi chuyển thể các thế bộ thành sân khấu hoá. Cốt truyện vẫn giữ nguyên, không nhân cách hóa nhân vật. Diễn viên của võ sư Sang chỉ đầu trần chân đất, bối cảnh sơ sài với vài khung hình minh hoạt cho sân khấu chính, dưới sân khấu có những mảnh xốp trang trí họa tiết ghép lại ở hai bên thuyền. Trang phục cũng hạn chế, Sơn Tinh ở trần, Thủy Tinh chỉ mặc võ phục thông thường. Khâu tuyển chọn diễn viên ban đầu chỉ là những võ sinh, sinh viên, học sinh từng tập luyện võ với ông. Tất cả chưa qua trường lớp đào tạo diễn xuất nào. Thế nhưng, với dàn diễn viên hùng hậu hơn 60 người trẻ đó cũng tạo được những hiệu ứng, truyền tải được nét văn hóa truyền thống dân tộc đến với du khách khi đến Khu du lịch Suối Tiên cách đây 24 năm.

"Nhiều lớp sinh viên đến rồi đi, tập luyện, đóng vai rồi trưởng thành bước ra làm công việc đúng với chuyên môn", võ sư Sang nói và nhìn lại mình thì vẫn vậy, vẫn đào tạo những lớp trẻ tiếp nối. Mỗi lần như vậy, việc huấn luyện, chỉ dạy diễn xuất của ông lại bắt đầu từ đầu. Đến hiện tại, đã có đến 6 lớp người trẻ đến rồi đi khi làm công việc này.

Chuẩn võ sư Nguyễn Quốc Thái (33 tuổi), môn phái thiếu lâm Hồng Gia Hà Châu, người từng một thời tung hoành đóng vai vua Hùng trong vở diễn giờ cũng là người dạy võ, đào tạo những lớp diễn viên kế thừa ngày nay. Anh Thái nói rằng để đào tạo được những diễn viên này phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từng động tác cụ thể dù các bạn trẻ đều là người tập võ. Trong vở diễn có sử dụng đạo cụ gậy, đao và các khí cụ khác nên ngoài yếu tố chuyên môn cũng cần có chút can đảm mới diễn được.

Có đến hơn 60 diễn viên không chuyên là các bạn trẻ

"Thời điểm trước khó khăn rất nhiều, các bạn trẻ phải tập luyện, đánh trên bè nổi, tỷ lệ chấn thương rất cao. Thời nay cũng vậy, vừa diễn trên mặt nước kèm cảnh hành động dễ bị trơn trượt, thậm chí đu dây bay, rồi đánh nhau trên không, chưa kể kèm lửa nóng, sấm chớp mưa bão", Thái chia sẻ.

Thái nói tiếp cái khó của diễn viên trong lúc diễn là làm sao để vừa đánh vừa khớp với lời thoại được phát ra trên loa. Nếu diễn viên không khéo dễ bị trượt chân ngã hoặc thậm chí rơi đạo cụ hoặc người từ trên cao. Tuy nhiên, mọi thứ đều được tập luyện kỹ càng trước khi trình diễn.

Vừa đi học vừa đi diễn

Đảm nhiệm vai chính vua Hùng là Trần Quang Thiệu (16 tuổi, học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.1). Thiệu với dáng người cao to, tỏ ra nét thần thái vua chúa nên được giao vai chính của vở diễn. Thiệu đến với nghề diễn này cũng chính từ lần vào Suối Tiên vui chơi, xem biểu diễn rồi thích quá nên quyết định xin vào đoàn tập võ để được diễn xuất. Thiệu mới có 9 tháng biểu diễn ở đây. Tuy nhiên, để có được vai vua Hùng, Thiệu phải đi từ cấp thấp nhất. Tức là, phải diễn từ vai người lính cầm cờ, quân triều đình, sau đó luyện võ rồi nâng cấp lên tướng đấu, Sơn Tinh - Thủy Tinh và cuối cùng là đóng vai vua Hùng như hiện nay.

Truyền thuyết về vua Hùng kén rể qua màn thể hiện của người trẻ - Ảnh 3.

Các bạn trẻ vào vai nhân vật cổ tích như Sơn Tinh - Thủy Tinh

Mỗi lần diễn, cậu mặc long bào, đội mũ cao kèm dán râu uy nghiêm. Những điệu bộ rắn rỏi, dứt khoát của Thiệu không khác gì một vị vua dù chỉ làm quen với vai diễn cách đây vài tháng. Thiệu tiết lộ vai vua Hùng không cần đánh đấm gì nhưng khi hóa trang đứng giữa nắng nóng trong 30 phút là một điều khó tả.

"Lúc tôi tập luyện đánh nhau, chuyện té là thường ngày, có khi lật cổ chân, sưng lên. Nhưng cứ nghĩ tới khi được mặc áo vua, được hóa thân thành nhân vật truyện cổ tích tôi vui lắm. Tôi vinh dự khi đóng vai này. Nhờ đó mà tôi có thể hiểu được hơn về văn hoá, giúp cho trẻ em và mọi người biết văn hóa truyền thống của đất nước mình", Thiệu chia sẻ.

Từng ước mơ được hoá thân vào những nhân vật cổ tích khi còn nhỏ, lớn lên điều ước đó cũng đã thành sự thật với Huỳnh Phát Đạt (19 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) khi được vào vai chính Sơn Tinh. Đạt vào diễn được hơn 1 năm, cũng là thế hệ thứ 6 của vở diễn này. Tuy vậy, để có được vai chính đó Đạt đã vượt qua rất nhiều gian nan, trong đó là nỗi sợ đánh nhau, bay nhảy, va chạm vào hung khí, các pha hành động mạo hiểm.

Để có được thần thái như Sơn Tinh, Đạt nói: "Chỉ cần tập luyện kỹ, xem nhiều phim cổ tích, trang điểm, nghe theo chỉ dẫn của các thầy và nhất là bản thân tự tin vào vai diễn là làm được".

Những màn đánh nhau, hành động đu dây đều do những bạn trẻ thực hiện 

Dạ Thảo

Thông thường, các diễn viên này đều còn rất trẻ, còn đang đi học, mới ra trường đi làm. Mỗi vở diễn chỉ diễn ra vào hai ngày cuối tuần nên các bạn trẻ dễ dàng sắp xếp giờ giấc để đến. Thù lao cho mỗi ngày diễn trên dưới 200.000 đồng/người. Do đó, mỗi bạn trẻ đến đây diễn vì đam mê, niềm yêu thích võ thuật, xem như đi làm thêm gia tăng thu nhập.

Hay như Huỳnh Phát Đạt cũng vừa đi diễn vừa làm một công việc khác kèm theo. Những buổi sáng thường ngày Đạt đến võ đường luyện tập. Tối đến lại chạy làm nhân viên phục vụ ở một nhà hàng trong trung tâm thành phố. Đến cuối tuần lại trở về sân khấu biểu diễn cho khán giả xem. Còn Thuỷ Tinh Nguyễn Nhật Vũ (16 tuổi) thì chưa đi làm, đang là học sinh học Trường trung cấp nghề Q.1. Vì đam mê võ thuật diễn xuất nên mỗi tuần đều chạy xe đến đây để được sống trong không khí cổ tích. Với Vũ, dù mới dấn thân vào vai Thủy Tinh nhưng luôn tự hào mang nét tinh hoa võ Việt kèm văn hóa truyền thống của dân tộc đến với nhiều người hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.