Đôi giày họa tiết tranh trê cóc
Để “dựng” lên một đôi giày vải màu vàng có họa tiết Trê Cóc, phải cần tới 3 người từ nhóm thiết kế S.River. Nhóm gồm những người yêu tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội), muốn phục hồi dòng tranh này trong đời sống hằng ngày. Phạm Lan Anh làm họa tiết. Hải Yến dựng đôi giày. Khánh Linh phối màu nền. Đôi giày trông rất vui mắt với những họa tiết sáng tác dựa trên bức tranh Hàng Trống Trê Cóc. Bức tranh mang hàm ý châm biếm về việc vợ chồng giàu có nhà Trê cướp con của vợ chồng Cóc từ khi con còn là nòng nọc chưa rụng đuôi. “Hình vẽ nhiều loài thủy sinh đang “sôi nổi” tham gia vụ kiện gay cấn được nghệ nhân xưa thể hiện sống động, ngộ nghĩnh, vui mắt. Nhiều loài cá quẫy cong mình, há miệng, vểnh râu; cua giương càng xòe cẳng… rất có tiềm năng ứng dụng trên thiết kế quần áo, giày của giới trẻ”, ông Trần Hiếu, đại diện truyền thông của nhóm, chia sẻ.
tin liên quan
Tranh dân gian 'sống lại' bằng công nghệ mớiĐây là một thiết kế sẽ được giới thiệu trong cuốn Họa sắc Việt sắp in của S.River. Theo S.River, Họa sắc Việt là sách chuyên ngành dành cho dân thiết kế, mỹ thuật và người yêu mến, muốn tìm hiểu về mỹ thuật dân gian. Sách có phần giới thiệu về tranh Hàng Trống, màu sắc, họa tiết và ứng dụng thực tế.
“Mục tiêu của dự án là mang dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là giới nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ tại VN. Tôi mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống người dân và có sức sống, tính cuốn hút của riêng mình. Trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số, tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại”, Trịnh Thu Trang, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, người đứng đầu nhóm S.River nói.
Những thiết kế được đưa vào sách dựa trên tranh Hàng Trống, nhưng điều quan trọng hơn là dựa vào chính sáng tạo và trí tưởng tượng của mỗi thành viên trong nhóm. Họ có thể sử dụng họa tiết hoa của bức tranh này kết hợp với họa tiết con vật của bức tranh khác và bảng màu của bức tranh khác nữa để tạo ra thiết kế hoàn chỉnh. Chẳng hạn, trong thiết kế cho đôi giày vàng, nhóm đã đưa vào thêm hình con tôm, là con vật vốn không có trong tranh Trê Cóc của tranh Hàng Trống. Tông màu của bức tranh cũng được chuyển sang màu vàng chứ không phải nền trắng giống giấy điệp - thứ giấy vẽ tranh Hàng Trống. Thiết kế vì thế trông cũng vui mắt hơn nhiều.
|
Cùng nhau đóng góp
Để đủ chi phí in ấn và phát hành Họa sắc Việt, nhóm S.River đã tổ chức gây quỹ cộng đồng cho cuốn sách. Sách cũng đã cán đích, chạm mốc 150 triệu đồng đóng góp trước ngày "đóng" việc gây quỹ 2 ngày. Những người đóng góp dự kiến có thể nhận được bản sách vào tháng 3.2018. Một số người đóng góp với số tiền lớn còn được tặng những bản tranh Hàng Trống với chữ ký của nghệ nhân hiếm hoi còn lại của dòng tranh này - ông Lê Đình Nghiên.
Bà Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ (Hà Nội), cho biết gây quỹ chính là cách để những người cùng yêu văn hóa cổ góp sức với nhau, nhân rộng những nét văn hóa này lên.
tin liên quan
Thú chơi tranh tết trở lạiTrước Họa sắc Việt, đã có một số dự án văn hóa gây quỹ cộng đồng như 3 tập sách Long thần tướng của Comi Cola; dự án Hoa văn Đại Việt để sưu tập và xuất bản các hoa văn cổ của VN. Hoa văn Đại Việt cũng có các sản phẩm sử dụng hoa văn cổ như cốc, đĩa để làm đồ lưu niệm. Tuy nhiên, theo bà Hòa, khả năng chuyển từ sách thành sản phẩm công nghiệp bằng cách gây quỹ cộng đồng không cao. “Sản xuất công nghiệp cần vốn lớn và những sản phẩm này cũng chỉ có một phân khúc thị trường không lớn”, bà Hòa nói.
Theo ông Nguyễn Khánh Dương, sáng lập Comi Cola, crowdfunding thường áp dụng với sách. “Trong thị trường văn hóa giải trí hiện nay, người nghe nhạc không có thói quen mua album nhạc, mà thường nghe nhạc miễn phí. Các dự án phim ảnh thì quy mô và giá trị quá lớn để có thể crowdfunding được ở thị trường VN. Do vậy, sách nổi lên như một sản phẩm phù hợp để crowdfunding, khi văn hóa đọc còn mạnh, độc giả vẫn chịu bỏ tiền ra cho các sản phẩm sách, và chi phí sản xuất một cuốn sách không quá lớn”, ông Dương chia sẻ.
“Chúng tôi chỉ lựa chọn một vài chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu ưng ý của mỗi bức tranh rồi sáng tạo, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành giá trị thẩm mỹ mới, đặt trong bối cảnh mới, mang sứ mệnh mới và có khả năng ứng dụng cao vào thiết kế đồ họa. Từ đó, tôi mong muốn chúng góp phần quảng bá trở lại cho dòng tranh Hàng Trống”, Trịnh Thu Trang chia sẻ.
|
Bình luận (0)