Thú chơi tranh tết trở lại

18/01/2017 06:57 GMT+7

Theo nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu, lượng tranh bán tết tăng đều vào những năm gần đây cho thấy thú chơi tranh tết đang trở lại.

Họa sĩ Tào Linh cười vui khi đứng giữa rừng tranh gà của bạn bè trong triển lãm Dậu Dome, khai mạc tại chợ Hàng Da Hà Nội chiều 13.1. Hàng trăm bức tranh gà với nhiều chất liệu khác nhau, mực tàu giấy dó, bột màu, sơn dầu... Có cả những tác phẩm điêu khắc nữa. “Gà được vẽ trên cả giấy, cả đĩa... Tất cả làm tôi nhớ đến thú vẽ tranh tết từ rất lâu rồi. Và bây giờ chúng tôi muốn mang nó trở lại”, họa sĩ Tào Linh chia sẻ.
Không chỉ Dậu Dome, trước đó đã có nhiều triển lãm tranh như triển lãm Gà của 13 họa sĩ tại Tràng Tiền, Hà Nội. Chưa kể, còn một loạt triển lãm cá nhân, tại tư gia của các họa sĩ. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng quay cuồng trong vòng sản xuất 100 bức tranh gà theo truyền thống tranh Hàng Trống.
In tranh gà Kim Hoàng Ảnh: Hòa Thu
Tranh vẽ, tranh dân gian đều bán chạy
Họa sĩ Lê Thiết Cương, người nhiều năm nay đều đều tổ chức các chợ tranh và hoạt động mỹ thuật vào dịp Tết Nguyên đán, cho biết: “Thú chơi tranh của người Việt đang trở lại. Chỉ báo này thể hiện rất rõ ở lượng tranh bán của các họa sĩ. Một nửa số người tôi hỏi nói là tranh tết của họ bán rất nhiều. Tranh vẽ bán chạy. Tranh dân gian bán cũng rất chạy”.
Nhà nghiên cứu Thu Hòa, cũng là người đang đổ tiền vào phục dựng tranh Kim Hoàng, chạy đôn đáo để mở các gian hàng tranh này tại các hội chợ, điểm đến văn hóa. Hồi tháng trước, quầy tranh tết của bà tại hội chợ các ngoại giao đoàn ở Hà Nội đã bán sạch các bản tranh Kim Hoàng mang đến. “Thú chơi tranh tết thấy rõ là đang trở lại. Thông thường, các năm biểu tượng là con vật nào trong 12 con giáp thì năm đó sẽ bán được nhiều tranh ấy trong dịp tết. Còn có những tranh như tranh công, tranh cá Hàng Trống, Tứ quý hay Tam đa thì có thể treo trong mọi cái tết”, bà Hòa nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Phạm Long, một trong những nhà tổ chức hội chợ tranh Domino Art Fair, cho biết hội chợ này sẽ khai mạc 20.1 để đón vụ tranh tết. “Trước tết là thời điểm tranh bán tốt hơn hẳn vì người Việt mình vào tết có tiền thưởng nên cũng dư dả hơn cả năm, và họ cũng muốn mua cái gì đó mới cho mình. Người ở nước ngoài về tới mua cũng có. Nhưng quan trọng là có nhiều người có thói quen mua tranh hơn”, ông Long chia sẻ. Chợ tranh tết mà ông và cộng sự mở có những bức vài chục nghìn USD nhưng có tranh chỉ vài trăm USD. Thậm chí, có những bức đồ họa chỉ một vài triệu là đã có thể mua được. Những năm trước, tranh đồ họa chỉ chiếm 10 - 20% lượng tranh bán ở chợ tranh này.

Truyền thống mới
Theo bà Thu Hòa, thị trường tranh tết ngày càng tốt lên cũng có nghĩa là dân gian phải khoác tấm áo mới, may kỹ, màu sắc hài hòa, thay đổi theo năm thì mới thu hút người tiêu dùng vốn ngày càng khó tính, cẩn trọng. Với dòng tranh Kim Hoàng, vì thế, bà đã phải nhờ họa sĩ và nhà nghiên cứu cùng chung tay để vẽ lại các mẫu con giáp, sáng tác thêm tranh mới. Đó cũng là tiền đề cho truyền thống mới. “Muốn như thế ra tết đã phải chọn mẫu cho năm sau rồi. Sau đó nhiều mẫu sẽ được lựa chọn đưa vào sản xuất. Vụ tranh tết sẽ bắt đầu làm từ tháng 6 của năm trước cho tết của năm sau”, bà Thu Hòa nói.
Nếu tranh dân gian cũng cần thêm mẫu mới thì tranh mới lại đang cố gắng xóa đi nỗi “xấu hổ” của tranh Việt là tranh giả tranh nhái. Họa sĩ Thành Chương, Hội đồng nghệ thuật của hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair, khẳng định: “Hội đồng nghệ thuật của hội chợ nghệ thuật lần này sẽ đảm bảo để không để lọt tranh giả, tranh nhái”.
Họa sĩ Trịnh Minh Tiến, nhà tổ chức của Domino Art Fair, cho biết thêm tại chợ tranh này các tác phẩm sẽ có hồ sơ gồm thông tin tác giả, quá trình sáng tác, mô tả tác phẩm, lịch sử giám định lại tác phẩm bởi hội đồng nghệ thuật có đủ năng lực, giàu kinh nghiệm và giấy chứng nhận bản quyền tác phẩm. Như thế, tất cả các tác phẩm đều rõ về nguồn gốc và có lịch sử giao dịch minh bạch. Các tác phẩm từng được mua ở đây nếu nhà sưu tập có nhu cầu bán lại sẽ được chợ nhận ký gửi.
Những chợ tranh ngày tết như thế gợi tới đoạn viết về thú chơi tranh tết trong cuốn Đất lề quê thói của tác giả Nhất Thanh. Sách ghi: “Hàng gì cũng nhiều gấp đôi ngày thường đã đành, chợ tết còn thêm đặc sắc về Tranh Pháo. Ta có tục cho trẻ nhỏ từ đứa lớn đến những đứa năm sáu tuổi đi chơi chợ tết phiên cuối năm, mua tranh, mua quế chi ăn cho thơm miệng ngày tết. Tại những nơi chợ họp phiên cuối tháng vào ngày 26 hay 27 thì thế nào cũng có thêm phiên chợ cho trẻ con vào ngày 28, 29 hay 30, cũng gọi là phiên chợ tết”.
Về truyền thống mua tranh tết đang trở lại này, họa sĩ Lê Thiết Cương vui mừng. “Tại hội chợ Dậu Dome, chỉ có 2 người nước ngoài mua tranh, còn lại là 8 người VN mua. Điều đó khác biệt rất lớn so với trước đây. Trước đây 10 năm nếu nói đến bán tranh thì có nghĩa là khỏi phải nói câu bán cho người nước ngoài, vì đương nhiên là chỉ người nước ngoài mua. Nhưng bây giờ thì người Việt đã mua, và mua nhiều vào dịp tết”, ông nói.
PGS-TS Trang Thanh Hiền cho biết thú chơi tranh tết có từ khoảng thế kỷ 16, phát triển cùng nghề làm ván khắc và lan rộng. Tuy nhiên, nó lụi dần vào đầu thế kỷ 20, khi các ông đồ và nhiều nếp cũ mất dần vị thế. Còn nhà sưu tập Thu Hòa cho biết, những chợ tranh Kim Hoàng cuối cùng là vào khoảng năm 1947.
Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền còn mở “chợ tranh tết cho trẻ em”. Chợ tranh của bà Hiền không bán tranh trực tiếp mà bán cách thức làm tranh cho các em. Hoạt động Cùng bé sáng tạo này sẽ được tổ chức từ 21.1 đến 11.2 tại Văn Miếu, Hà Nội. Theo đó, các bé sẽ được học cách in và tô màu nhiều dòng tranh dân gian. “Các bé sẽ được mang tranh và các mẫu lì xì về nhà. Trong đó, có một mẫu tranh năm nay mới phục dựng và trở lại là tranh Kim Kê, một bức tranh mang thông điệp về điểm phúc của dòng tranh Kim Hoàng”, PGS-TS Hiền chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.