Tết Art là hội chợ nghệ thuật vừa khai mạc hôm 21.1 tại Hà Nội. Ở
đó, người xem có thể mua tranh tốt với lựa chọn đa dạng, đặc biệt là
những bức tranh của các tên tuổi lớn với giá “mềm”.
Các tác phẩm tại Tết Art được đánh giá cao về chất lượng - Ảnh: T.A |
Hai bức tranh mực tàu giấy dó đã được họa sĩ Lê Thiết Cương đóng khung xong để gửi tới hội chợ nghệ thuật Tết Art ở Hà Nội Creative city 1 Lương Yên. Đấy là hai bức tranh mới nhất của ông, cũng là hai bức vẽ lại trên chất liệu giấy dó sau nhiều năm. Giá tranh cực mềm so với tên tuổi của họa sĩ - chỉ 200 USD/bức. Nhưng ông Cương vui lắm: “Một hội chợ tranh do người trẻ tổ chức, lại để tiếp cận và tạo dựng thị trường mỹ thuật trong nước. Tôi vui khi tham dự và cũng học được nhiều thứ”.
Hội chợ Tết Art năm nay là lần tổ chức thứ hai, mở cửa đến ngày 31.1. Song, theo ông Trịnh Minh Tiến, một sáng lập viên, lần tổ chức này hơn hẳn năm trước với nhiều tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt. “Lần này nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rất lớn với mỹ thuật VN tham dự như: Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Công Kim Hoa, Thành Chương, Hà Trí Hiếu, Đào Hải Phong… Họ là những người có đóng góp và ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật VN. Những nghệ sĩ trẻ có Dương Thùy Dương, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Xuân Tặng, Lý Hùng Anh…”, ông Tiến cho biết.
Tên tuổi lớn, nhưng giá lại “mềm”. Đây cũng là đề nghị của ban tổ chức với các họa sĩ tham gia. Các họa sĩ cũng hưởng ứng điều đó. Như với ông Cương, giá tranh ông bán ở đây chỉ bằng 2/3 so với giá mà ông vẫn bán tại nhà. “Tôi không xác định đây là nơi làm kinh tế. Tôi xác định đây là một việc cho xã hội để gây dựng thị trường tranh”, ông Cương nói. Ông cũng cho biết, để gây dựng thị trường mỹ thuật này, các họa sĩ có tên tuổi nên góp phần chứ không thể bỏ mặc người trẻ.
Ông Phạm Long, một dịch giả gắn bó với việc dịch thuật các tư liệu mỹ thuật nước ngoài, cho rằng Tết Art tốt hơn nhiều so với các triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Ông Long cũng đặc biệt đánh giá cao sự tham gia của nhà sưu tập Nguyễn Minh, người có trong tay bộ sưu tập đồ sộ của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương. Ông Minh lần này giới thiệu nhiều tranh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Nhà sưu tập Natasa (Nga) cũng mang tới triển lãm những tác phẩm của họa sĩ Vũ Tân Dân. Có thể nói, để thưởng ngoạn, đây là một chợ tranh đáng tự hào.
Vẽ body art, một hoạt động mở màn Tết Art - Ảnh: T.A
|
Khai mở thị trường mới
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, điều đáng nói nhất ở Tết Art là ý tưởng tổ chức để hướng tới sự luân chuyển tranh. “Tiêu chí của Tết Art là một gian hàng tranh tết. Giống như thời bao cấp, tôi đi chợ hoa với bố mẹ ở Hàng Lược bao giờ cũng có một góc là tranh tết. Tranh tết là ai cũng mua được. Con gà con lợn, đại cát, bịt mắt bắt dê. Các bạn tổ chức cũng tạo một ki ốt ở hội chợ. Ai mua tranh năm ngoái của Tết Art thì năm nay có thể mang đến bán rồi mua hay đổi tranh khác”, ông Cương nói.
Việc mua bán này, ông Cương cho rằng sẽ tạo được vòng xoay cho tranh: “Việc mua đi bán lại ở ki ốt tranh này không sinh lợi nhiều nhưng tạo thành vòng xoay. Vì thị trường nghệ thuật hình thành bằng việc trao đổi tranh, chứ không phải chỉ mua về treo. Đây là lần đầu tiên nhóm bạn trẻ nghĩ đến sân chơi để trao đổi hàng hóa nghệ thuật như vậy. Rất hay”.
Tết Art là một phần của làn sóng tạo thị trường mỹ thuật trong nước. “Manzi, Tết Dome và bây giờ là Tết Art, chúng tôi đang làm nhiều việc để tạo thị trường. Trong Nam, Sàn Art cũng phải làm như thế”, ông Cương nói. Thậm chí, để tạo sóng, ông còn đích thân tham gia vẽ tranh tặng công chúng tới dự Tết Dome ở chợ Hàng Da, Hà Nội.
Thật trùng hợp, những nghệ sĩ tham gia việc tạo lập thị trường như ông, trước đây cũng từng là những người đầu tiên mang tranh ra phố Tràng Tiền, Hà Nội bán hồi năm 1988. Khi đó, tranh ít được mua bán lắm, ông Cương đã mang tranh ra gửi nhờ ở cửa hàng lưu niệm mỹ nghệ Tràng Tiền của Công ty mỹ thuật Hà Nội. Rồi việc bán tranh cho người nước ngoài mới rộ lên mãi sau này.
“Nếu gọi là sàn giao dịch tranh thì hơi quá. Hiện tại nó chỉ là một hội chợ nghệ thuật, mang tính thương mại, là nơi mọi người đến thưởng thức và mua tác phẩm của nghệ sĩ. Sau này nó lớn hơn, chuyên giao dịch thường xuyên, rồi đấu giá nữa mới gọi là sàn được”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, với thử nghiệm lần trước, có tới hơn 90% khách mua tranh Tết Art là người Việt, ông Tiến lạc quan về sàn giao dịch tranh trong nước.
Về Tết Art, bà Ngô Hương, chủ Việt phủ Thành Chương - người nhiều năm gắn bó với thị trường mỹ thuật VN, nhận định: “Các tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, tổ chức chuyên nghiệp, giá cả chuẩn, có nhiều lựa chọn, dễ so sánh. Không mua thì cũng được ngắm, xem cái đẹp, cái tử tế đích thực. Không dễ để có một hội chợ thế này để có dịp mua sắm, nhìn ngắm bình phẩm, chọn lựa thích thú những bức tranh tốt nhất, mới nhất tại thời điểm này của gần 100 họa sĩ (với ít nhất 2 bức mỗi người), không thiếu sự hiện diện của những họa sĩ danh tiếng hàng đầu. Có những bức thuộc hạng dành cho giới sưu tầm, tức là độc đáo trong số các sáng tác của họa sĩ ấy”.
|
Bình luận (0)