Người trẻ phải tỉnh táo trước 'content rác' nhan nhản khắp mạng xã hội

30/03/2023 13:50 GMT+7

Hôm qua, mạng xã hội lại một phen xôn xao bởi một nữ YouTuber có những video với nội dung vô cùng độc hại.

Đó là kênh YouTube Kimmie với hàng ngàn người theo dõi, trung bình mỗi video có mấy ngàn người xem. Một số nội dung của YouTuber này tạo ra gây tranh cãi và phản ứng dữ dội từ dân mạng. Có thể kể như: "Mình bịa CV để đi xin việc như thế nào?", "Mình không sinh ra để đi làm! Bạn cũng thế" hay video hướng dẫn các bạn nữ cách moi tiền từ bạn trai quen trên Tinder, làm thế nào để sống tốt ở Hà Nội dù không có việc làm…

Trong một video đang bị lên án mạnh mẽ, Kimmie chia sẻ như sau: "Kết thúc buổi hẹn, mình thường bảo bạn nam là anh có 200k (200.000 đồng) tiền mặt không cho em đi taxi về, em chuyển khoản cho. Mình thường gặp các bạn nam rất là nice nên không ai đòi cả, mỗi ngày như thế thường kiếm được 200 – 500k. Mỗi tháng vài củ ngon lành cành đào… Mình date với một anh ở quán cà phê, anh này ra muộn nên mình nói luôn mỗi phút ra muộn là 100k. Anh ấy đến muộn 30 phút nên phải đưa mình 3 triệu đồng. Cuối buổi hẹn anh ấy rủ mình về nhà chơi, nhưng mình ngu gì, mình té luôn, thế là có ngay 3 củ".

Mặc dù những chia sẻ ở trên cực kỳ nhảm nhí và sai trái, bên dưới phần bình luận có khá nhiều người không đồng tình, nhưng số người đăng ký kênh vẫn khá cao. Điều này vô tình tạo nên "động lực" cho nữ YouTuber tiếp tục sản xuất những video có nội dung độc hại trong thời gian sắp tới. Một tài khoản mạng xã hội như vậy, đáng lý ra phải bị khoá vĩnh viễn để tránh gieo rắc vào đầu một bộ phận giới trẻ lối sống lười biếng, phụ thuộc, giả dối và lừa đảo lợi dụng người khác.

Người trẻ phải tỉnh táo trước "content rác" nhan nhản khắp mạng xã hội  - Ảnh 1.

YouTuber này chia sẻ không cần đi làm vẫn có tiền nhờ khôn lỏi trên ứng dụng hẹn hò

CHỤP MÀN HÌNH

Chúng ta không còn quá xa lạ với việc ai đó sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để chia sẻ về cuộc sống, kết nối với mọi người, thể hiện góc nhìn và ý kiến cá nhân. Đó dường như trở thành một xu hướng mới của thời đại bùng nổ thông tin. Người thực hiện nội dung còn có thể kiếm được tiền nhờ xây dựng các trang mạng xã hội tới một mức độ phát triển nào đó.

Thế nhưng, bên cạnh các nội dung gửi gắm thông điệp tích cực, mang lại lợi ích và giá trị cho cộng đồng, nay đã xuất hiện nhan nhản các "content rác", chia sẻ những suy nghĩ và lối sống sai lầm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận giới trẻ. Dễ dàng thấy, bất kỳ vấn đề gì cũng có thể đem ra khai thác để thành content trên mạng xã hội.

Nào là thử thách làm động vật, cảm tưởng khi ăn đồ ăn tươi sống (như cá, thịt), truyền bá cách nuôi Kumanthong (búp bê tâm linh của Thái Lan), hướng dẫn cách tự tử không đau đớn, thể hiện sự miệt thị người nghèo… Các trang YouTube, Facebook, TikTok… trở thành "mảnh đất" béo bở để một vài người làm mọi thứ bất chấp quy chuẩn đạo đức để câu view, câu like. Chỉ cần thu hút sự chú ý của đám đông, cho dù tai tiếng cũng được.

Đối mặt với nạn "content bẩn" trên mạng xã hội như thế nào là phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người. Chúng ta phải tỉnh táo trước những thông tin hoặc nội dung xàm xí trên mạng xã hội. Đừng nghĩ đơn giản đó chỉ là video vui, xem để giải trí. Bởi những thứ vô ích, không có giá trị nhân văn, không có tính giáo dục, sẽ khiến bạn vừa mất thời gian, giảm khả năng tư duy, hạn chế việc học hỏi. Đồng thời, những điều lệch lạc có thể từ từ "thấm" vào tiềm thức khiến bạn bị ảnh hưởng xấu như kiểu nước chảy đá mòn phá huỷ nhân sinh quan và lối sống tốt đẹp vốn có của bạn.

Và hãy nghĩ xem, sẽ thế nào nếu trẻ nhỏ lỡ tìm thấy video có nội dung không lành mạnh như vậy và bị tiêm nhiễm về một suy nghĩ lệch lạc vớ vẩn? Khi mà chưa có một quy luật chế tài nào rõ ràng để xử lý riết ráo hết tất cả các trường hợp truyền bá, chia sẻ nội dung độc hại, thì gánh nặng đặt trên vai gia đình là rất lớn.

Phụ huynh chẳng thể nào kè kè bên cạnh để kiểm soát hết tất cả những nội dung mà con cháu xem trên mạng xã hội. Đặc biệt, càng bị cấm đoán thì các em lại càng tò mò tìm hiểu. Do đó, việc định hướng tư duy cho các em là chuyện quan trọng nhất cần phải làm. Cần hướng dẫn cho các bạn nhỏ tự xây dựng tư duy phản biện, tăng nhận thức với những nội dung sai trái.

Phụ huynh nên dành nhiều thời gian hơn để cùng trò chuyện, chia sẻ với các em, chỉ ra đâu là đúng sai, tập cho con trẻ thói quen suy nghĩ độc lập, không bị ảnh hưởng bởi tư duy của đám đông. Đồng thời, có lẽ mỗi chúng ta nên lan truyền rộng rãi những quan điểm, lối sống tốt đẹp trên mạng xã hội, chia sẻ nhiều hơn nội dung mang tính giáo dục sâu sắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.