Người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống: 5 cách để tự lấp đầy 'lỗ hổng'

Thanh Nam
Thanh Nam
01/12/2023 06:00 GMT+7

Cần làm gì để có thể "vá" lại những "lỗ hổng" về kỹ năng sống mà một bộ phận người trẻ đang gặp phải?

CHÌA KHÓA QUAN TRỌNG

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhà sáng lập và là Giám đốc Thinking School, kể: "Một số người trẻ hay nói câu: "Sao nghe thầy nói, em… hoang mang quá". Sở dĩ họ hoang mang vì bản thân không có những kỹ năng sống như tư duy phân tích, phản biện. Họ chẳng biết điều họ nghe là đúng hay sai. Chính vì thế, tôi đồng tình với quan điểm cho rằng có những người trẻ hiện nay thiếu kỹ năng sống".

5 cách để tự lấp đầy “lỗ hổng” - Ảnh 1.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng là cách để rèn luyện kỹ năng sống

THANH NAM

Tiến sĩ Dũng cũng cho rằng xã hội hiện nay phát triển với tốc độ rất nhanh nên dẫn đến câu chuyện "hôm nay người trẻ có thể đủ kỹ năng sống nhưng tới ngày mai lại thiếu". Theo ông, khúc mắc cần tháo gỡ là bản thân người trẻ phải nỗ lực hơn nữa để có được sự thích ứng với những thay đổi liên tục của xã hội.

"Người trẻ có thể sai lầm, thiếu sót, vấp ngã. Nhưng quan trọng là sau cái sai, sự thiếu hụt ấy cần phải lắng nghe những lời chỉ dạy, tiếp thu các ý kiến hướng dẫn, đóng góp của người khác chứ đừng tự tin thái quá mà phản bác tất cả", tiến sĩ Dũng nói.

Bên cạnh đó, để giúp nâng cao kỹ năng sống, vị này đề xuất cần phải dạy cho người trẻ phương pháp tự học, tự nhận thức, hay còn gọi là khả năng học hỏi suốt đời.

"Nếu ví kỹ năng sống là mạng xã hội, thì không thể hôm nay dạy về Facebook, mai chia sẻ về Instagram, mốt hướng dẫn về TikTok… Vì chỉ dạy riêng lẻ, cụ thể từng kỹ năng sống thì sẽ luôn tồn tại sự thiếu hụt. Thay vào đó, cần dạy cho người trẻ khả năng học hỏi suốt đời. Nắm được phương pháp ấy, người trẻ sẽ biết cách để chủ động học, rèn luyện các kỹ năng sống mà họ cảm thấy còn thiếu, yếu. Khi tự học được một loại kỹ năng sống, người trẻ sẽ biết cách để đọc sách, tham khảo tài liệu, tìm kiếm kiến thức… nhằm tự bổ sung các kỹ năng sống tiếp theo. Bên cạnh đó, người trẻ cũng sẽ tự rèn luyện được tư duy phản biện, sáng tạo, phân tích, giải quyết vấn đề…, giúp làm việc hiệu quả hơn, ứng biến nhanh nhạy với cuộc sống và liên tục thích nghi với sự phát triển của xã hội", ông Dũng cho hay.

Tiến sĩ Dũng nói thêm: "Các trường hiện nay dường như thiếu vắng việc dạy về phương pháp tự học, tự nhận thức cho học sinh, sinh viên. Trong khi phương pháp ấy chính là chìa khóa để người trẻ có thể mở được tất cả các cánh cửa về kỹ năng sống, "vá" được những "lỗ hổng" đang gặp phải. Nếu áp dụng việc dạy về khả năng học hỏi suốt đời thì giáo dục sẽ phát triển. Ngược lại, nếu chỉ dạy về những thứ vụn vặt, dạy chi tiết từng kỹ năng sống thì dạy đến khi nào mới xong?".

"Loạt bài này của Báo Thanh Niên có thể sẽ gióng lên hồi chuông cho thấy một bộ phận người trẻ thiếu kỹ năng sống. Qua đó kỳ vọng nhận thức của xã hội, từ nhà trường, phụ huynh đến doanh nghiệp, người trẻ… đối với kỹ năng sống sẽ được nâng lên", tiến sĩ Dũng nhận xét.

Để tự lấp đầy "lỗ hổng"

Theo tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sự thay đổi trong cách thức giáo dục từ gia đình và nhà trường là cần thiết để giúp người trẻ trang bị kỹ năng sống. Sự hỗ trợ này phải bắt đầu từ gia đình, khi phụ huynh biết áp dụng phương pháp giáo dục tích cực để dạy con.

5 cách để tự lấp đầy “lỗ hổng” - Ảnh 2.

Cơ hội thành công của người trẻ sẽ cao hơn nếu có kỹ năng sống

THANH NAM

"Thay vì nuông chiều hoặc bảo vệ quá mức, phụ huynh có thể cùng con thực hiện các hoạt động sinh hoạt khác nhau, giúp con tự phát triển được các kỹ năng sống. Cũng cần thay đổi phương pháp giáo dục kỹ năng sống ở nhà trường. Phải đi từ những bài học kỹ năng cơ bản nhất như: tự chăm sóc, quản lý cảm xúc, nhận biết điểm mạnh, điểm yếu bản thân… cho đến các kỹ năng sống hướng đến xã hội như: giao tiếp ứng xử, thiết lập và duy trì mối quan hệ, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, phản biện… Cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì mới có thể thay đổi, thúc đẩy người trẻ phát triển được các nhóm kỹ năng sống thiết yếu", tiến sĩ Vũ cho biết.

Tiến sĩ tâm lý này cũng khuyên những ai đã và đang thiếu, yếu về kỹ năng sống nên áp dụng 5 cách để có thể tự lấp đầy "lỗ hổng".

Một là xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bản thân trong các chặng đường học tập, làm việc. Phải xác định rõ mục tiêu phát triển cá nhân trong mỗi giai đoạn cuộc đời để học đúng và làm đúng.

Hai là dành thời gian tham gia các khóa học hoặc lớp học về kỹ năng sống ở trường hoặc tại các trung tâm đào tạo để mở rộng sự hiểu biết và cơ hội thực hành cho chính mình. Bất kỳ một khóa học phát triển bản thân nào cũng có ý nghĩa đối với hành trình rèn luyện, phát triển kỹ năng sống của người trẻ.

Ba là tham gia sinh hoạt hội nhóm hoặc các CLB ở trường, nhà văn hóa, các tổ chức xã hội… để tăng cường trải nghiệm thực tế và cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, từng bước hoàn thiện bản thân.

Bốn là tạo lập một nhóm bạn thân (có thể từ 2 - 6 người) để cùng nhau rèn luyện, sinh hoạt và hỗ trợ chuyên môn về kỹ năng sống với nhau. Việc có một nhóm bạn cùng tiến là điều kiện quan trọng giúp cá nhân tạo động lực phát triển kỹ năng sống của chính mình.

Năm là nên tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn về đào tạo kỹ năng sống hoặc xin ý kiến từ các nhà tư vấn, tham vấn tâm lý để xác định rõ những giới hạn của cá nhân. Từ đó từng bước xác lập chiến lược làm chủ và phát triển cá nhân trong cuộc sống, sự nghiệp.

Còn theo giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc một về khoa học dữ liệu, thống kê và học máy tại ĐH Texas - Austin (Mỹ): "Trong công việc, ngoài sự đòi hỏi về tính chuyên môn cao, người trẻ cũng được yêu cầu nhiều về kỹ năng sống, bao gồm: giao tiếp, hòa nhập, chịu áp lực... Việc được trang bị các kỹ năng sống một cách đầy đủ sẽ góp phần giúp người trẻ thành công hơn trong công việc. Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, việc có đầy đủ các kỹ năng sống sẽ giúp người trẻ có góc nhìn bao quát hơn về xã hội và gia đình. Chẳng hạn, một bộ phận người trẻ sẽ hạn chế được tư tưởng bảo thủ. Thay vào đó sẽ có sự quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc và suy nghĩ của người khác".

Từ kinh nghiệm cá nhân, giáo sư Minh Nhật chia sẻ những cách để cải thiện kỹ năng sống: "Nên tham gia các CLB, đội, nhóm hoặc những sự kiện để có nhiều cơ hội diễn thuyết trước đám đông, cải thiện khả năng phối hợp, giao tiếp, hòa nhập với các thành viên khác. Ngoài ra, người trẻ nên tích cực đọc nhiều sách, báo để hiểu thêm về cuộc sống xung quanh, tham gia các hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức về các vấn đề hiện tại của xã hội".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.