Bộ sách du ký Xách ba lô lên và đi (tác giả trẻ Huyền Chip, xuất bản lần đầu năm 2012 với tập 1 Châu Á là nhà. Đừng khóc! và tập 2 Đừng chết ở châu Phi) đã thực sự thổi một làn gió mới tinh nghịch và tràn đầy sức sống vào thị trường xuất bản Việt, tác động mạnh mẽ tới các độc giả trẻ ưa phiêu lưu. Cuốn sách là những dòng nhật ký của một cô gái trẻ đã đặt chân đến 25 nước với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD. Trên đường đi, Huyền Chip tự kiếm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt và mua vé máy bay đi tiếp. Những câu chuyện sinh động của chính tác giả khi thực hiện chuyến hành trình du lịch ba lô trên đất khách, bất chấp nhiều tranh cãi về mức độ đúng - sai, vẫn được nhiều độc giả trẻ ngưỡng mộ và ca ngợi rằng đây là một cuốn cẩm nang du lịch. Hiện tại trang Facebook cá nhân của Huyền Chíp với tên Xách balo lên và đi đã thu hút tới trên 90.000 người theo dõi.
Nắm bắt sở thích giới trẻ, các nhà làm sách đã vào cuộc và hàng loạt sách du ký do các tác giả trẻ viết lần lượt ra đời. Chạm ngõ thiên đường (Trần Việt Phương) không chỉ lôi cuốn người đọc vào một hành trình đầy màu sắc văn hóa đặc sắc, món ăn truyền thống thú vị, những tập tục văn hóa lạ kỳ và các cung bậc cảm xúc trải dài từ vùng đất Thái Lan nhộn nhịp, Maldives mộng mơ, Bhutan yên bình đến Nepal khắc nghiệt, mà còn được đánh giá rất truyền cảm hứng, và gửi gắm qua đó bằng những bài học nghiệm về đời chân thành mà sâu sắc, ý nghĩa và thực tế, tâm tình. Với lối viết nhật ký sinh viên, cuốn sách mới của Huyền Chip Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford như một người bạn dễ gần và tin cậy, từ tốn kể về hành trình bốn mùa: mùa thu xao xuyến hạnh phúc với giấc mơ Stanford, mùa đông khao khát mong chờ vì những trải nghiệm mới, mùa xuân nỗ lực dồn sức trong môi trường khắc nghiệt và khép lại một năm khi mùa hè rực rỡ căng tràn nhiệt huyết đã đến như lời hẹn: Lại xách ba lô lên và đi. Cuốn ký Bên kia ranh giới - Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục? lại đề cập đến các hình thức giáo dục mà tác giả Tôn Nữ Tường Vy đã trải nghiệm trong hành trình qua nhiều quốc gia khác nhau bằng giọng văn sắc sảo, trẻ trung và tươi mới. Còn Hạt muối rong chơi (Nguyễn Phan Quế Mai) thuật lại từ những ngày tác giả biết tin mình được nhận học bổng du học Úc, từ đó mở ra cánh cửa để chị có cơ hội được đặt chân đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong sách, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh nhiều người Việt khắp bốn phương với nhiều thân phận khác nhau. Ngoài ra, còn có Bỏ nhà đi Paris (Camille Thắm Trần), Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (Trương Anh Ngọc), Venise và những cuộc tình Gondola (Dương Thụy), Nào mình cùng đạp xe đến Paris (Nguyễn Thị Kim Ngân)...
Nhiều độc giả trẻ cho biết họ yêu thích tìm kiếm các cuốn sách du ký Việt bởi các cuốn sách này giờ đây không chỉ nhằm chia sẻ những câu chuyện, kiến thức khi đi du lịch nước ngoài, mà quan trọng nhất là họ có cơ hội cảm nhận được nền văn hóa ở vùng miền đó, cùng những bài học chân thành về cuộc sống, sự khích lệ trong quá trình tự khám phá bản thân và khám phá thế giới bên ngoài. Bạn đọc T.D.Thành viết trên một trang web bán sách qua mạng: “Với những đêm không ngủ ở nhà, những sân bay, nhà ga lạ lẫm, hành trình rong ruổi, những cung đường cứ thể mở ra cho thỏa những khát khao, đam mê dịch chuyển... Bạn cứ đi thôi, với ba lô chắc khỏe sau lưng, lòng can đảm, nhiệt huyết... đảm bảo bạn sẽ có được những bài học về cuộc đời khiến bạn nhớ hoài...”.
|
|
Cần thêm chiều sâu văn hóa
Ông Đỗ Huy Quốc, Giám đốc ngành sách của Tiki.vn cho biết các sách du ký đều bán tốt trên mạng. Tác giả càng nhiều fan, sách càng bán chạy. Hai cuốn du ký đầu của Huyền Chip bán trên trang Tiki.vn bán trên 5.000 bản/tựa.
Ông Nguyễn Huy Hải - Giám đốc chi nhánh phía nam HuyHoang Bookstore, cũng cho rằng nhu cầu đọc sách du ký ngày một cao. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Không phải cuốn sách, bài viết nào cũng đạt đến chiều sâu văn hóa, lịch sử và đôi khi là cảm xúc mà bạn đọc mong đợi”. Bà Phạm Thị Hóa - Phó tổng giám đốc Công ty FAHASA, cho biết dòng sách du ký bán tốt nhưng thực ra rất khó làm vì nó yêu cầu phải có sự trải nghiệm độc đáo của tác giả và truyền thông cực tốt.
Nhà văn Nguyễn Danh Lam cảnh báo về sự dễ dãi khi viết sách du ký: “Không phải sách du ký chỉ kể một câu chuyện, tui đến đó, ăn món gì, chơi ở đâu, gặp bạn nào đi tắm, gặp bạn nào đi hái trái cây... Cần phải nghiên cứu lịch sử địa lý, văn hóa, triết học, kiến trúc... tất tần tật về miền đất mình sẽ đến. Và lúc tới nơi, thấy nó hiển hiện trước mặt, mình sẽ ráp nối được quá khứ, hiện tại, tương lai. Vì vậy, đọc du ký nước ngoài là đọc hết mọi thứ lồng ghép trong đó, sâu thẳm, kỳ vĩ...”.
Bình luận (0)