Theo TechSpot, việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI tương tự để hỗ trợ viết CV và thư xin việc đang trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, điều này đang tạo ra một thách thức lớn cho các nhà tuyển dụng, khi họ phải đối mặt với hàng loạt hồ sơ xin việc chung chung, thiếu cá tính và thậm chí là 'giả tạo' do AI tạo ra.
Theo một khảo sát gần đây, 57% sinh viên tìm việc đã sử dụng ChatGPT để hỗ trợ quá trình ứng tuyển. Đáng chú ý, những người dùng phiên bản trả phí của ChatGPT, được biết đến với khả năng tạo ra văn bản tinh tế và giống người viết hơn, sẽ có lợi thế hơn hẳn so với người dùng miễn phí. Điều này đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong tuyển dụng, khi những ứng viên có điều kiện kinh tế tốt hơn có thể dễ dàng vượt qua các vòng sàng lọc nhờ vào công cụ AI.
Các nhà tuyển dụng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải hồ sơ, trong đó nhiều hồ sơ không thể hiện được năng lực thực sự của ứng viên. Một số công ty lớn đã cảnh báo ứng viên không nên lạm dụng AI trong quá trình ứng tuyển, nhưng việc kiểm soát điều này là một thách thức không nhỏ.
Giải pháp hiện tại được nhiều nhà tuyển dụng lựa chọn là tập trung vào phỏng vấn trực tiếp, nơi họ có thể đánh giá ứng viên một cách toàn diện hơn, vượt qua những ‘bức tranh’ mà AI có thể tạo ra.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng đặt ra một nghịch lý: trong khi ứng viên lạm dụng AI để tăng cơ hội trúng tuyển, thì nhiều người lại từ chối ứng tuyển vào các công ty sử dụng AI trong quá trình tuyển dụng. Theo một nghiên cứu, 66% người Mỹ sẽ không ứng tuyển vào những nơi sử dụng công cụ tuyển dụng AI.
Bình luận (0)