Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện tại, văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC mới là Quyết định của Thủ tướng, nên hiệu lực pháp lý thấp. Quyết định này cũng chưa có các quy định cụ thể nên dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trong việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ.
Một trong những quy định gây tranh luận trong dự thảo Nghị định là phân biệt giữa cứu hộ khẩn cấp và cứu hộ thông thường. Theo dự thảo Nghị định, cứu hộ thông thường là hoạt động cứu hộ trong các sự cố, tai nạn hoặc rủi ro khác, được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân. Cứu hộ khẩn cấp được định nghĩa tương tự, nhưng thuộc dạng “không cần qua giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận”.
Liên quan đến 2 hình thức cứu hộ trong dự thảo Nghị định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc phân biệt và giải thích 2 dạng cứu hộ khẩn cấp và cứu hộ thông thường là chưa ổn, vì gần như chỉ khác ở chuyện có hợp đồng, thoả thuận. “Cứu hộ thông thường thì ký hợp đồng mới cứu hộ sao? Người đang treo lủng lẳng mà nói có hợp đồng tôi mới cứu xuống nghe không ổn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị "nên bỏ quy định phân biệt giữa 2 loại cứu hộ, vì đã cứu hộ, cứu nạn là thấy tai nạn là phải cứu, chứ không chia ra khẩn cấp, thông thường”.
Trước đó, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị định này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết có một số ý kiến tán thành nội dung quy định về việc thực hiện công tác cứu hộ thông thường theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, theo quy định của dự thảo, hoạt động cứu hộ thông thường được thực hiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thông qua giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận, có thu tiền, đồng nghĩa với việc đây là hoạt động dịch vụ trên cơ sở giao dịch dân sự.
Vì vậy, việc giao lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ này, theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, là chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.
“Mặt khác, việc sử dụng lực lượng, phương tiện trang thiết bị do Nhà nước trang bị để thực hiện hoạt động dịch vụ không phù hợp với quy định luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước và Nghị định 106/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý nội dung này cho phù hợp”, ông Việt nói.
tin liên quan
Vụ cháy quán karaoke 13 người chết: Cách chức, kỷ luật nhiều cán bộUBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa thông báo kết quả kiểm tra, xử lý kỷ luật tập thể cá nhân liên quan đến vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy.
Bình luận (0)