Những ngày gần đây, hàng ngàn người dân trên khắp các cánh đồng mì tại Tây Ninh phải liên tục bơm nước ngày đêm để cứu mì trước nguy cơ hạn hán kéo dài.
Ruộng mì của anh Hà Trung Nhân bị khô héo vì thiếu nước - Ảnh: Giang Phương |
Giữa trưa nắng như thiêu đốt, dọc 2 bên tuyến đường 786 (ấp Ninh Hòa, xã Bàu Năng, H.Dương Minh Châu) có hàng trăm nông dân đội nắng hì hục kéo dây tưới mì. Trên mảnh đất trồng mì rộng khoảng 10 ha khô cằn đang chờ tưới, ông Nguyễn Văn Đức (47 tuổi, ngụ xã Bàu Năng) than thở:
|
|
“Trời không mưa từ hơn 4-5 tháng nay, cộng với thời tiết nắng nóng, nếu không bơm nước tưới liên tục thì cây mì có nguy cơ chết sạch”. Ông Đức cho biết năm nay hạn hán kéo dài hơn mọi năm khiến gia đình ông tất tả ngược xuôi lo nước cứu hơn 10 hecta mì. Để cứu mì, từ hơn 2 tháng nay ông Đức phải mướn thêm 2 công tưới với giá 250.000 đồng/người, đồng thời tăng cường 3 máy bơm công suất lớn, hoạt động liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối bằng hình thức bơm dây phúng, cần xịt quay và cả tưới tràn.
Trong khi đó, nhiều cánh đồng mì tại các phường Ninh Thạnh, Ninh Sơn (TP.Tây Ninh) đang trơ trụi, khô cằn, nhiều khoảng mì chết loang lổ vì thiếu nước. Đứng giữa ruộng mì cao đến bụng vừa bị chết khô, anh Hà Trung Nhân (32 tuổi, P.Ninh Thạnh) buồn bã nói: “Do không có nước tưới, từ nhiều tháng nay, gia đình tôi đành bất lực nhìn ruộng mì hơn 0,8 hecta chết khô mà chẳng làm gì được”. Tương tự, nhiều cánh đồng mì kế bên cũng trong tình trạng úa vàng rồi chết dần.
Tập trung đối phó hạn hán
Ngày 23.2, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Tây Ninh), cho biết trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh đã có kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm hại mặn. Ngoài việc khuyến khích bà con tưới nước tiết kiệm, các đơn vị chức năng đã tập trung huy động mọi nguồn lực, tập kết máy bơm dã chiến, sẵn sàng bơm bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn cho các cánh đồng mì trọng điểm. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước để tích nước hồ Dầu Tiếng hợp lý, đảm bảo an toàn công trình, kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước khi nguồn nước bị thiếu hụt.
Theo ông Ánh, hiện Chi cục Thủy lợi đang theo dõi rất sát tình hình nhiễm mặn nhất là khu vực H.Trảng Bàng (vùng giáp ranh tỉnh Long An) để có phương án đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về đẩy mặn. “9 huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh cũng đã khởi động kế hoạch ứng phó cụ thể để chống hạn”, ông Ánh nói.
Bình luận (0)