Người trồng mía nổi giận

25/04/2008 01:00 GMT+7

Người trồng mía ở các xã Thạnh Cẩm, Thạnh Quảng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang phẫn nộ khi Nhà máy đường mía Việt Nam - Đài Loan thông báo kết thúc vụ ép, đồng nghĩa với nguy cơ biến hàng chục hecta mía của nông dân thành củi đốt.

Hôm qua 24.4, chúng tôi có mặt tại Thạch Cẩm - vùng mía trọng điểm của huyện Thạch Thành - chứng kiến sự bức xúc của người dân vì không thể nhập được mía cho nhà máy. Ông Nguyễn Văn Tụy, ngụ tại thôn Thạch Môn, xã Thạch Cẩm bức xúc: "Hiện nhà tôi còn tới trên 50 tấn mía đã chặt. Nếu không nhập được mía trong chiều nay thì nhà tôi sẽ phải đi ăn mày mất".  Còn anh Trịnh Xuân Hòa ở thôn Đồng Tiến, xã Thạch Cẩm thì cho biết, hiện tại hơn 2 ha mía (khoảng 120 tấn) nhà anh không thể thu hoạch được vì không thể thuê được nhân công, giờ mía thì vẫn đứng trên đồi, còn nhà máy thì kết thúc nhập mía vào bảy giờ tối 24.4, "bởi vậy tôi không biết sẽ phải làm gì với đồi mía này đây". Khi được hỏi tại sao gia đình không thu hoạch mía trước, thì anh Hòa phẫn nộ: "Vì nhà máy không cho xe đến chở nên tôi không thể chặt mía được!". Còn một nông dân khác cho biết: "Bình quân mỗi xe mía (khoảng 10 tấn) chúng tôi phải "lót tay" cho lái xe 200 ngàn đồng, nếu không thì họ không chở"...

Được biết, theo hợp đồng thì Nhà máy đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua mía tại đồi cho bà con với giá 380.000đ/tấn và chi phí vận chuyển do nhà máy chịu. Giải thích về hiện tượng người dân phải "lót tay" tài xế, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan cho rằng: "Hiện tượng lái xe đòi tiền là có, nhất là dịp cuối của vụ ép, năm nào cũng có. Luật bất thành văn rồi, cũng như lái xe muốn nhận đường thì phải cho tiền bốc vác. Nó là bài ca muôn thuở mà... Ai cũng muốn chở trước mà. Nếu xét ra thì dân sai hết... (?)". Nguyên nhân của tình trạng chậm trong khâu vận chuyển mía nguyên liệu cho nông dân theo ông Quỳnh là do nhà máy không tiên liệu được năm nay năng suất cao hơn mọi năm, thêm vào đó thời tiết mưa liên tục nên bà con không thu hoạch được! Cách giải thích của đại diện nhà máy rõ ràng không thể thuyết phục, và việc "bỏ rơi" người nông dân trồng mía trong hoàn cảnh như thế là một kiểu làm ăn vô đạo đức.

Theo thông tin Thanh Niên nhận được lúc 19 giờ tối 24.4, thì ở xã Thạch Cẩm vẫn còn trên 50 tấn mía nguyên liệu đã chặt không thể vận chuyển kịp về nhà máy, chưa kể hàng chục ha mía mà bà con chưa kịp chặt.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.